Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa hỷ

10:10, 07/10/2015

Cố sự Trung Hoa có chuyện kể rằng, Vương An Thạch đời Tống học giỏi, năm 20 tuổi lai kinh ứng thí. Trên đường đi, ngang nhà Mã viên ngoại đang kén chồng cho con gái.

Cố sự Trung Hoa có chuyện kể rằng, Vương An Thạch đời Tống học giỏi, năm 20 tuổi lai kinh ứng thí. Trên đường đi, ngang nhà Mã viên ngoại đang kén chồng cho con gái. Vương thấy lạ, ghé nhìn, thấy trên đèn kéo quân dán một vế đối: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Nghĩa là: Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân). Vương thư sinh nghĩ mãi không đối được. Vế đối nằm lòng, theo Vương đến trường thi.

Tại trường thi, Vương An Thạch làm bài tốt, quan chủ khảo chọn vào vòng “đình thí” để vua trực tiếp khảo thí, lấy người đỗ đầu. Ở sân rồng có một lá cờ lớn, trên có thêu một con hổ. Vua chỉ lá cờ hổ, ra vế đối:“Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” (Nghĩa là: Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình). Vương An Thạch nhớ tới vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã viên ngoại liền ứng khẩu đọc: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”. Vua và chủ khảo thấy Vương có tài ứng đối mau lẹ, vế đối rất chỉnh, chấm Vương An Thạch đậu thủ khoa kỳ thi đó.

Trong khi chờ đăng tên lên bảng vàng, Vương An Thạch trở về quê nhà. Khi đi ngang qua Mã gia trang, Vương thấy vế đối vẫn còn treo đó, chưa ai đối được, bèn xin ứng thí. Người nhà của Mã viên ngoại mời vào. Vương An Thạch lấy vế đối ở sân rồng đăng đối với vế đối nhà họ Mã:

“Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ;

Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.”

Mã viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh, rất khéo lại ẩn ý khoe tương lai nên nói với Vương An Thạch rằng:“Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới đồng ý lấy làm chồng”. Đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang. Liền sau đó, triều đình công bố bảng hổ đề danh Vương An Thạch. Vương An Thạch hứng chí ngâm nga:“Vận may đối đáp thành song hỷ. Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng”. Thành ngữ “song hỷ lâm môn” bắt đầu từ đó. Đám cưới hay dùng chữ song hỷ có lẽ cũng từ đó. 

Vương An Thạch nhờ vận may mà được “song hỷ” lâm môn, nhưng phải có thực tài mới từ đó thăng tiến. Nhưng, ở đời, có nhiều kẻ không muốn dừng lại ở “song hỷ” mà luôn mong được đa hỷ, lấy cái hỷ này làm phù phép để đạt cái hỷ khác: Hôn nhân tốt - địa vị tốt -  dự án tốt -  lợi ích tốt -  hưởng thụ tốt. Có điều, sự vươn đến đa hỷ không bằng thực tài mà bằng thủ đoạn. Thế mới đáng sợ! 

Trực Tử

 

Tin xem nhiều