Kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9, người ta thường nghĩ đến chuyện lớn lao, thiêng liêng. Riêng ông Vương Nhị Chi nhớ hoài một chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ riêng ông.
Kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9, người ta thường nghĩ đến chuyện lớn lao, thiêng liêng. Riêng ông Vương Nhị Chi nhớ hoài một chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ riêng ông.
Vương Nhị Chi còn có tên là Nguyễn Trản, một chiến sĩ kháng chiến thuộc xưởng quân giới ở Nam bộ. Khi thử vũ khí tự tạo vào năm 1947, ông bị thương cụt cả đôi tay. Khi tập kết ra Bắc, ông được nhận nhiệm vụ vừa sức ở Bộ Công nghiệp nặng. Những dịp lễ lớn của đất nước, ông thường được mời dự, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao. Nhân dịp Quốc khánh 2-9-1955, ông được mời dự buổi chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Nơi ấy, được bảo vệ nghiêm ngặt, ông một mình đi bộ đến, không người trợ giúp.
Trong lúc chờ đợi, ông nhờ người chỉ hướng đến phòng vệ sinh. Bước vào phòng vệ sinh một mình, ông loay hoay chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng nói nhẹ nhàng từ phía sau: “Chú làm sao cởi được khuy? Để Bác giúp chú”. Nhìn lại, nhận ra Hồ Chủ tịch, ông lúng túng không biết trả lời sao, thì Bác Hồ đã bước tới cởi khuy giúp. Rồi Bác đứng tránh sang một bên. Sau đó, Bác lại đến cài lại khuy cho ông. Rồi Bác Hồ đưa ông về phòng lễ tân. Ông Vương Nhị Chi còn nghe Bác nói với cán bộ đón tiếp đại biểu: “Người ta mất cả hai cánh tay, mà không ai đi theo giúp đỡ. Từ sau, các chú lưu ý trợ giúp các thương binh và người tàn tật, già yếu...”.
Chuyện kể của ông Vương Nhị Chi cùng với những mẩu chuyện Bác Hồ quan tâm đến mọi người có thể gọi là chuyện nhỏ, nhưng chuyện thiêng liêng đại sự của quốc gia có vững bền hay không chính là nhờ sự tích hợp, kết tinh từ những việc nhỏ mà không nhỏ ấy!
Trực Tử