Trong chính sử cũng như trong nhiều tài liệu viết về những nhà cách mạng có liên quan đến Phan Bội Châu không thấy có tên Thái Thị Huyên. Vậy mà, kể về cuộc đời của mình, Phan Bội Châu luôn coi Thái Thị Huyên là một nhà cách mạng thầm lặng với tình cảm trân trọng, quý yêu.
Trong chính sử cũng như trong nhiều tài liệu viết về những nhà cách mạng có liên quan đến Phan Bội Châu không thấy có tên Thái Thị Huyên. Vậy mà, kể về cuộc đời của mình, Phan Bội Châu luôn coi Thái Thị Huyên là một nhà cách mạng thầm lặng với tình cảm trân trọng, quý yêu.
Khi làm cách mạng, Phan Bội Châu thường hay kéo bạn đến nhà luận bàn, họp hành, tranh cãi… Với vai trò người vợ, bà Huyên lẳng lặng chăm lo việc cơm nước, hành lý, tiền nong; chồng bảo sao nghe vậy, chẳng hề hỏi han, chẳng hề hé lời với ai. Bạn bè Cụ Phan thấy bà kín tiếng nên an tâm, không sợ lộ chuyện. Có người thầm cho đó là người phụ nữ quê mùa không đáng chú ý. Chỉ có Cụ Phan là hiểu vợ hơn cả. Bà Huyên coi vậy mà nghe hết, hiểu hết, lòng hy sinh cho cách mạng chẳng kém ai, lại có những điều suy nghĩ khiến chồng phải giật mình. Có lần, bà Huyên đi chợ về, ghé bên tai chồng nói nhỏ: “Các ông làm chuyện lớn mà không kín tiếng, thiên hạ biết cả. Muốn bắt cọp, sao cọp chưa bắt được mà nhiều người biết thế?”.
Thoạt đầu, Cụ Phan mỉm cười không cho đó là hệ trọng. Nhưng sau này, trong các bước gian truân của cách mạng, ông mới nghiệm ra lời vợ là đúng, rất đúng.
Bí mật là yếu tố vô cùng quan trọng, nếu không giữ gìn có thể hỏng việc lớn. Và, mỗi khi đánh giá kết quả của công việc hoặc của sự kiện nào đó, người xưa không chỉ tôn vinh những công trạng hiển thị rực rỡ mà còn trân trọng, tri ân những công trạng thầm lặng vốn là nhân tố ẩn danh làm điểm tựa cho thành tích hiển danh.
Trực Tử