Đám thợ săn biết một mũi tên khó giết một con khỉ nên buộc vào đầu mũi tên một miếng vải đỏ. Quả nhiên, khỉ bị thương nhẹ, mang mũi tên chuyền cành cao chạy thoát.
Đám thợ săn biết một mũi tên khó giết một con khỉ nên buộc vào đầu mũi tên một miếng vải đỏ. Quả nhiên, khỉ bị thương nhẹ, mang mũi tên chuyền cành cao chạy thoát. Nhưng không thoát chết. Bầy khỉ xúm lại, rút mũi tên, thấy miếng vải đỏ, tưởng khúc ruột, nhét vào. Con khác thấy lạ, cũng rút ra xem rồi lại nhét vào. Con này tiếp theo con kia. Cuối cùng con khỉ bị thương tắt thở, buông tay rơi xuống đất. Săn khỉ như vậy ác quá! Làm cho con khỉ bị đau nhiều lần.
Đó là chuyện xưa rồi. Đời nay có chuyện ác hơn. Nếu miếng vải đỏ làm chết một con khỉ thì một con muỗi có thể làm chết người, chết tính người, rất đau lòng! Sao lại nói như vậy? Bởi vì, một con muỗi rơi vào hộp sữa, dù vô tình hay cố ý cũng gây nhiễu loạn, không chỉ người dùng hộp sữa lên tiếng mà số đông cùng kêu gào, lây lan qua internet và truyền thông. Rồi thanh tra, rồi tẩy chay, rồi đủ thứ sức ép. Rồi nhà sản xuất sa sút, thậm chí phải đóng cửa. Công nhân giảm lương, mất việc. Cái chết hiện ra, không chết về thể xác thì cũng chết về lòng tin. Mà chết về lòng tin thì đau lòng hơn gấp bội.
Dẫn dắt như vậy nghe có lý mà cũng rất phi lý. Có lý vì chuyện có thật trong đời. Phi lý vì, suy cho cùng, con khỉ chết không phải do miếng vải đỏ mà do cái ác của thợ săn gieo vào khuyết tật tò mò của loài khỉ. Cũng vậy, con muỗi không tạo ra sự chết của lòng tin. Chính là, do trái tim ẩn ý phía sau ngòi bút và ngón tay lướt phím.
Trực Tử