Báo Đồng Nai điện tử
En

Dùng người

10:05, 15/05/2015

Đào Duy Từ người tỉnh Thanh Hóa. Ông là người tài giỏi, nhưng vì là con phường chèo nên không được đi thi. Nghe tiếng chúa Nguyễn Phúc Nguyên yêu dân và quý học trò, năm 1625 ông quyết chí vào Nam tìm chân chúa.

Đào Duy Từ người tỉnh Thanh Hóa. Ông là người tài giỏi, nhưng vì là con phường chèo nên không được đi thi. Nghe tiếng chúa Nguyễn Phúc Nguyên yêu dân và quý học trò, năm 1625 ông quyết chí vào Nam tìm chân chúa.

Đến Quảng Nam, Đào Duy Từ giả thác làm người ở chăn trâu cho một nhà giàu ở xã Tùng Châu. Nhà giàu này thấy ông là người hiểu biết rộng, bèn nói với Khám lý Trần Đức Hòa. Đức Hòa đến nói chuyện với ông, thấy ông không có điều gì là không thông suốt, lấy làm kính trọng, bèn gả con gái cho và tiến cử với chúa Nguyễn. Chúa mời Đào Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy, Chúa mặc áo trắng, đứng ở cửa ngách chờ, Đào Duy Từ nhìn thấy đã đứng lại, không chịu đi nữa. Chúa liền vào mặc áo, đội mũ chỉnh tề để ra mời. Đào Duy Từ lúc ấy mới rảo bước vào lạy. Chúa và Đào Duy Từ cùng nói chuyện, bàn bạc, Đào Duy Từ nhân đó bày tỏ sở học. Chúa khen là tài giỏi, trao ngay cho Đào Duy Từ chức Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê Hầu, sai trông coi việc quân cơ trong ngoài và dự bàn việc lớn của quốc gia, khen Trần Đức Hòa là bậc biết người, cũng trọng thưởng. Đào Duy Từ sau này có công rất lớn trong việc củng cố thế lực của nhà Nguyễn ở phương Nam, trong đó có việc xây lũy Trường Dục để chống lại các cuộc tấn công của chúa Trịnh.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên quả là biết nhìn người tài, sử dụng người chỉ xét tài, đức chứ không xét lý lịch, thấy tài đáng chức cao là bổ nhiệm ngay, không chờ tính “thâm niên”, nên mới có được nhân tài như Đào Duy Từ. Lại biết khen thưởng người có công tiến cử nhân tài như Trần Ngọc Hòa. Đây cũng là bài học trong công tác nhân sự.

Trực Tử

Tin xem nhiều