Mát trời, tui cặp nách chai rượu chuối hột sang nhà anh Ba Mật, kháo chuyện. Tui hỏi anh về Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10:
- Tỉnh mình vừa tổ chức khen thưởng 17 doanh nghiệp và 10 doanh nhân xuất sắc, việc ấy có ý nghĩa gì vậy anh?
Mát trời, tui cặp nách chai rượu chuối hột sang nhà anh Ba Mật, kháo chuyện. Tui hỏi anh về Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10:
- Tỉnh mình vừa tổ chức khen thưởng 17 doanh nghiệp và 10 doanh nhân xuất sắc, việc ấy có ý nghĩa gì vậy anh?
Anh Ba lấy ra gói hột điều, rót rượu tui mang đến, khề khà giải thích:
- Đó là để động viên, biểu dương và tôn vinh doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam, một bộ phận quan trọng của xã hội. Thời phong kiến, doanh nhân được hiểu là thương nhân, đứng hàng cuối trong “sĩ, nông, công, thương”; thế giới cổ tích thường xếp vào hình ảnh kẻ xấu, người ác. Thời đất nước mới hòa bình, thống nhất, doanh nhân chưa được xem trọng trong cơ cấu giai cấp “công - nông - binh - trí”. Thời đổi mới, từ khi có Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, doanh nhân mới được định danh đích thực “là thành phần làm ăn, tạo giá trị, thu lợi nhuận, nộp thuế để phát triển xã hội”. Đến năm 2014, Chính phủ quyết định lấy ngày 13-10 hàng năm làm Ngày truyền thống doanh nhân Việt Nam.
- Vậy là doanh nhân Việt Nam quá vui rồi!
- Vui thì vui thiệt. Nhưng, doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều nỗi niềm lắm, cần phải thấu hiểu và cần được chia sẻ.
- Nghĩa là sao, anh Ba?
- Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ, nhỏ li ti, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, môi trường làm ăn thiếu an toàn, thị trường cạnh tranh nhiều sóng gió. Trong lúc một số doanh nhân bước lên đài danh dự, có nhiều doanh nhân phải bóc lịch trong tù, nhiều người khác bỏ cuộc chơi hoặc đánh vật với bài toán thua lỗ. Vậy nên, ngày doanh nhân, biết tặng hoa cho người thành đạt, cũng cần biết chia sẻ với người thất bại.
- Chia sẻ như thế nào, anh Ba?
Anh Ba lấy iPhone, mở bài Ngẫu hứng doanh nhân của Trần Tiến. Nghe qua, tui mới hiểu, làm doanh nhân không dễ: “Đời doanh nhân, đánh cờ người; chơi lối chơi chưa ai từng chơi. Đời doanh nhân, quý đồng tiền; chi với chi chưa hẳn là chi. Trót rong chơi, không làm gì, thu với thu đi tù một khi”. Nhưng thiệt lòng, tui cũng khoái cái duyên nhân tính của doanh nhân: “Đời doanh nhân, lắm bạn bè, say với say chưa cho là say. Nhiều khi quên, mất đường về, ta với em không cho là hai. Lá thu rơi, khi về già, ta với ta chưa hẳn là ta”.
Ra về, rượu ngâm ngấm say, ngẫm lời anh Ba, lòng tui rưng rưng mong ước: doanh nhân thành đạt - doanh nghiệp trường tồn - quốc gia hưng thịnh.
Ong mật