Cô Ba cà phê nhắc:<br>
- Dịp rằm tháng bảy năm nay tụi con cũng tổ chức đi cúng chùa như mọi năm, chú Tám có tham gia hông?
Cô Ba cà phê nhắc:
- Dịp rằm tháng bảy năm nay tụi con cũng tổ chức đi cúng chùa như mọi năm, chú Tám có tham gia hông?
Chú Tám xe ôm không trả lời ngay, mà mơ màng bất chợt:
- Nghĩ cũng lạ. Chỉ trong dịp tháng bảy âm lịch người Việt mình có nhiều tập tục hay quá chớ bây.
Cô Ba thắc mắc:
- Ủa, ngoài vụ đi cúng chùa còn vụ gì hay nữa chú?
Chú Tám điểm điểm ngón tay:
- Bộ bây quên rồi hả? Tháng bảy là thời gian Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau nhờ có quạ đen bắc cầu. Một năm mới được gặp nhau một lần, chàng Ngưu với nàng Chức khóc quá xá nên trần gian mới có mưa ngâu… Chuyện tình Ngưu - Chức lãng mạn có thua gì Romeo - Juliet của phương Tây đâu.
Anh Tư Bốn cũng xen vào:
- Tháng bảy còn là dịp lễ Vu lan, con cái báo hiếu cha mẹ. Ai còn mẹ cài bông hồng đỏ, ai mất mẹ cài bông hồng trắng. Tục này có từ hơn 2 ngàn năm nay, xuất hiện từ tích ngài Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật Thích ca cứu mẹ bị khổ hình ở địa ngục. Con thấy tục lệ này của mình có ý nghĩa giống như Ngày của mẹ của Tây, của Mỹ.
Cô Ba không chịu thua kém:
- Tháng bảy còn là dịp xá tội vong nhân. Ông bà mình cho rằng đây là dịp thánh thần mở cửa ngục cho các linh hồn “xả hơi”, ân xá cho vong hồn tội lỗi hối cải, siêu thoát an lành. Bởi vậy, ngày rằm tháng bảy dân mình có tập tục cúng kiếng cho tổ tiên, đồng thời đặt thêm một mâm cúng ngoài sân cho các cô hồn không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng, coi như là “cử chỉ đẹp” với vong hồn bất hạnh, kém may mắn.
Chú Tám cảm thán:
- Nghĩ lại, thấy ông bà mình hay quá chớ bây. Tôn vinh tình yêu nam nữ, hiếu đễ của con cái với cha mẹ, lòng vị tha bác ái. Vậy mà giới trẻ bây giờ không hiểu thấu, làm theo, cứ chạy theo ba cái trò phương Tây như Halloween gì đó, quên mất tập tục ông bà.
Ong mật