Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh tay chuyển đổi cây trồng

09:02, 27/02/2013

Mấy ngày đầu năm mới, Người Nông Thôn (NNT) tui thấy cảnh nông dân huyện Tân Phú vất vả cứu hạn cho 80 hécta lúa, bắp của cánh đồng Năm Sao (tổng diện tích trên 200 hécta) ở xã Phú Bình mà thấy hồi hộp quá

Mấy ngày đầu năm mới, Người Nông Thôn (NNT) tui thấy cảnh nông dân huyện Tân Phú vất vả cứu hạn cho 80 hécta lúa, bắp của cánh đồng Năm Sao (tổng diện tích trên 200 hécta) ở xã Phú Bình mà thấy hồi hộp quá. Cũng may là có nguồn nước từ sông để bơm về. Một điều đáng suy nghĩ là, tại sao đã được chính quyền khuyến cáo là sẽ thiếu nước tưới trong mùa khô này mà người dân vẫn cứ trồng lúa ồ ạt? Việc này chẳng khác nào tự gây khó cho mình. Nếu cánh đồng này được chuyển đổi sang trồng bắp hoặc hoa màu khác thì chắc chắn cả nông dân lẫn Nhà nước không phải đi “cứu lúa”. 

Việc này làm NNT nhớ lại, huyện Xuân Lộc gần 10 năm về trước đã chuyển đổi cây trồng vụ đông - xuân rất quyết liệt, giúp diện tích vụ này không giảm mà còn tăng. Nhiều hộ dân khá hẳn lên nhờ tăng thu nhập. Theo đó, lượng nước của huyện được tích trữ và đánh giá có khả năng tưới được bao nhiêu, sau đó sẽ tính toán diện tích sản xuất. Trên những cánh đồng được vận động chuyển đổi từ trồng lúa sang bắp vào vụ này, nếu những hộ nào không đồng ý chuyển đổi sẽ không được cấp nước tưới. Thời gian đầu nông dân cũng “khó chịu” bởi quen với trồng lúa lâu nay, nhưng qua một vụ bắp, lợi nhuận mang lại gấp đôi so với lúa nên ai cũng mừng. Từ những năm sau trở đi, không ai còn ý định trồng lúa vụ này nữa trừ những khu ruộng quá trũng, không thể chuyển đổi. Khi trồng luân canh như trên còn giúp hạn chế được sâu bệnh cho cánh đồng. Do đó, tại một số vùng, chuyển đổi cây trồng phải thật kiên quyết, nếu không, sẽ còn phải cứu lúa dài dài.

Người Nông Thôn

 

Tin xem nhiều