Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý rác, cần giải pháp lâu dài

09:09, 06/09/2019

Từ năm 2015, Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu đưa chỉ số chôn lấp rác thải xuống còn dưới 15%, tuy nhiên đến tận lúc này, tỷ lệ trên vẫn chưa đạt được và hiện đang dừng ở mức 43%.

Từ năm 2015, Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu đưa chỉ số chôn lấp rác thải xuống còn dưới 15%, tuy nhiên đến tận lúc này, tỷ lệ trên vẫn chưa đạt được và hiện đang dừng ở mức 43%.

Ai cũng hiểu, cách xử lý rác bằng cách chôn lấp, dù có thực hiện hợp vệ sinh đi chăng nữa thì chỉ phù hợp với những nơi có quỹ đất rộng lớn và sự gia tăng về lượng rác thải phát sinh không cao. Với một địa bàn có tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh như Đồng Nai thì đây không phải là giải pháp lâu dài, vì mật độ dân cư ngày càng lớn, trong khi quỹ đất dần ít lại. Để xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả phải áp dụng công nghệ xử lý rác thân thiện hơn, như công nghệ khí hóa, kết hợp giữa việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, sản xuất phân bón và phát điện.

Với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày lên đến gần 1,9 ngàn tấn (chưa tính rác thải công nghiệp) và vẫn đang không ngừng gia tăng số lượng, Đồng Nai rõ ràng phải có bài toán xử lý rác căn cơ nhất về lâu dài, trong đó cách làm khả dĩ nhất là kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi có doanh nghiệp đầu tư, chính quyền cần đưa ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng để tạo sự công bằng cho doanh nghiệp, song đồng thời kiểm soát được chất lượng công nghệ xử lý rác của các dự án, tránh tình trạng xử lý bằng các công nghệ cũ, lạc hậu dẫn đến “lợi bất cập hại”, gây phát sinh khí độc hoặc càng làm ô nhiễm nặng nề hơn cho môi trường trong tương lai.

Nhà đầu tư khi xin thực hiện loại dự án đặc biệt này cần đảm bảo các tiêu chí như: có năng lực về tài chính và kinh nghiệm xử lý rác; có hồ sơ thiết kế công nghệ đốt phát điện tiên tiến hiệu quả; đã nghiên cứu kỹ tính chất rác thải ở địa phương; đáp ứng được về giá xử lý rác và giá phát điện theo quy định; công nghệ nhà máy tiên tiến, thông minh, tiết kiệm; cam kết sớm khởi công, hoàn thành nhanh; ưu tiên đơn vị tạo điều kiện có việc làm ổn định cho người dân ở khu vực dự án; sử dụng ít đất nhất, công suất phát điện tốt nhất và hiệu quả đốt rác cao nhất…

Thực tế, Đồng Nai là nơi sớm nhận thức và có sự tính toán về xử lý chất thải khi quy hoạch đến 7 khu xử lý chất thải (cả rác sinh hoạt lẫn rác công nghiệp) nằm rải rác tại nhiều nơi trong tỉnh. Đi kèm với các khu xử lý, tỉnh cũng đón nhận và cấp phép nhiều dự án đầu tư xử lý rác của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Song vì nhiều nguyên nhân, đến nay chỉ mới vài dự án thực hiện cam kết đầu tư đúng tiến độ và hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại phần lớn dự án vẫn đang chậm trễ.

Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó cốt lõi nhất là nhà đầu tư sợ… lỗ nếu không “thắng” các cuộc đấu thầu mua rác về xử lý tại dự án của mình, hoặc giá thầu cạnh tranh nhau xuống quá thấp so với kỳ vọng về lợi nhuận. Vậy nên, để các dự án xử lý rác sớm vận hành, cần rà soát, tính toán lại để cân đối bài toán lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư trên cơ sở ủng hộ công nghệ xử lý hiện đại và bảo vệ môi trường.

Vi Lâm

Tin xem nhiều