Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý vật nuôi đặc sản

10:08, 23/08/2019

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng dòng thực phẩm sạch, nuôi trồng tự nhiên. Nhu cầu này đã và đang mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm đặc sản có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc nuôi trồng trong thiên nhiên, không sử dụng thức ăn chăn nuôi, không can thiệp hóa chất vào quá trình sinh trưởng...

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng dòng thực phẩm sạch, nuôi trồng tự nhiên. Nhu cầu này đã và đang mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm đặc sản có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc nuôi trồng trong thiên nhiên, không sử dụng thức ăn chăn nuôi, không can thiệp hóa chất vào quá trình sinh trưởng... Do đó, nhiều doanh nghiệp, nông dân đang đón đầu cơ hội này bằng cách đầu tư chăn nuôi các loài vật hoang dã như: chim yến, cá sấu, gấu, hươu, nai, dúi, rắn, gà lôi, chim trĩ, vịt trời, bìm bịp…

Không thể phủ nhận thực tế là việc nhiều loài vật hoang dã được nuôi từng cho lợi nhuận cao hơn so với các vật nuôi truyền thống và được coi là “đặc sản”. Xét về góc độ kinh tế, đây là một hướng đi khá hiệu quả, song tính hiệu quả sẽ bị thử thách khi quy mô và số lượng các loài vật hoang dã đặc sản này phát triển. Thị trường tiêu thụ dành cho những loài vật đặc sản này khá nhỏ hẹp và mang tính lệ thuộc cao hơn nhiều so với các vật nuôi phổ biến khác như: heo, bò, gà… Chưa kể, tùy theo từng vật nuôi sẽ phát sinh nhiều vấn đề về kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh, tính chất nguy hiểm và sức ảnh hưởng của hoạt động nuôi đến cộng đồng…

Đơn cử, phong trào nuôi chim yến diễn ra nhiều năm nay trong các khu dân cư gây ảnh hưởng không ít đến đời sống cộng đồng xung quanh, bởi ngay cả những khu dân cư sầm uất ở đô thị cũng mọc lên nhiều nhà nuôi yến. Dễ thấy nhất là tiếng chim hoặc tiếng máy gọi chim yến được nhiều người nuôi phát cả ngày lẫn đêm gây ồn và khó chịu cho những hộ gia đình sống gần, chim yến lại là loài chim trời tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm do đặc thù di chuyển mỗi ngày hàng trăm cây số để kiếm ăn của chúng.

Vậy nên, giải pháp dung hòa có lẽ là công tác quản lý phải đi theo nhu cầu sản xuất thực tế của người chăn nuôi. Những mô hình nuôi các loài vật có nguồn gốc hoang dã đạt hiệu quả kinh tế cao nên ngày càng thu hút đông người tham gia chăn nuôi và do đó, quản lý các loài vật đặc sản này cũng cần chặt chẽ hơn từ khâu cấp phép đến khâu kiểm tra vệ sinh, an toàn dịch bệnh.

Chẳng hạn, chim trĩ trước đây là loài vật hoang dã quý hiếm nhưng giờ được cơ quan chức năng cấp phép chăn nuôi rộng rãi. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng đã ban hành thông tư về quản lý nuôi chim yến. Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cũng rất quan tâm công tác quản lý về dịch bệnh trong lĩnh vực chăn nuôi các loài vật hoang dã, trong đó đã có vaccine hữu hiệu với nhiều loài chim hoang dã mà trước đây chưa có. Vấn đề là trong quá trình thực tế, các chính sách quản lý, chế tài cần được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh để vừa hỗ trợ được người nuôi, vừa hạn chế những tác hại đến cộng đồng.

Vi Lâm

Tin xem nhiều