Sự "bùng nổ" của các dự án "ma" trong cơn "sốt" đất vừa diễn ra trong vòng 2 năm qua cho thấy một sự thật đáng lo ngại: đó là sự "lên ngôi" của lòng tham, xét về cả phía người bán lẫn người mua.
Sự “bùng nổ” của các dự án “ma” trong cơn “sốt” đất vừa diễn ra trong vòng 2 năm qua cho thấy một sự thật đáng lo ngại: đó là sự “lên ngôi” của lòng tham, xét về cả phía người bán lẫn người mua.
Người bán - những doanh nghiệp bất động sản làm ăn thiếu chân chính - thản nhiên “vẽ” nên những quy hoạch ảo, bày ra những dự án bất động sản “ma” không hề có thật kèm những lời giới thiệu mỹ miều quảng cáo khắp nơi, từ tờ rơi đến internet để “chiêu dụ” người mua. Đất đai ở đâu chưa biết, nhưng “tiền tươi thóc thật” từ túi người mua chảy sang là có thật, vậy nên những công ty như Alibaba hoàn toàn không có dự án nào được triển khai trên thực tế, nhưng chỉ sau 3 năm, vốn điều lệ đã tăng từ 1 tỷ đồng lên hàng ngàn tỷ đồng.
Còn phía người mua, không phủ nhận có những người bị lừa khi trót tin vào những thông tin ảo do các doanh nghiệp bất động sản vẽ nên, song đa phần do “mê” lợi nhuận cao nên sẵn sàng bỏ tiền mua những lô đất đầu cơ và sang tay hoàn toàn trên giấy. Thực tế cũng có những người có lãi từ cách đầu cơ rủi ro cao này, do đó những dự án “ma” mới có cơ hội tồn tại. Nguy hiểm hơn, nhiều doanh nghiệp tuy rao bán đất, nhà, song thực tế lại huy động vốn đa cấp từ người mua: anh A mua lô đất “ảo”, sau 3 tháng sẽ được chi thêm 20% lợi nhuận, sau 6 tháng sẽ được chi 40% và càng giới thiệu nhiều người mua, mức tiền được trả càng cao. Không ai rõ những đồng tiền huy động một cách mờ ám đó sẽ đi đâu về đâu và khi sự sụp đổ hàng loạt diễn ra, ai là người chịu hậu quả cuối cùng. Song rõ ràng sự méo mó của thị trường này có sự góp phần không nhỏ của những người chấp nhận mua đất “ảo” vì muốn giàu nhanh.
Về mặt pháp lý, có vẻ như những người làm luật khó mà theo kịp sự biến động của thị trường vì để ra được một quy định, cần nhiều thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến, chờ thông qua, chờ áp dụng… trong khi những chiêu trò lách luật lại diễn ra quá nhanh, quá nguy hiểm với nhiều biến tướng. Luật vừa “siết” chỗ này, họ đã “lách” chỗ khác và không ít chiêu trò có cả sự đồng thuận của người mua.
Cơn “sốt” đất vừa diễn ra đã để lại quá nhiều hệ lụy, đâu đâu cũng thấy “dự án”, đâu đâu cũng thấy người mua đất, bán đất. Có chuyên gia kinh tế từng nhận xét rằng “ở một quốc gia mà chỉ cần sang tay vài lô đất đã có tiền tỷ trong tay, thì ai còn đam mê, ai còn hoài bão mà khởi nghiệp sản xuất?”. Rõ ràng, nếu một nền kinh tế giàu lên hay nghèo đi chỉ dựa vào bất động sản thay vì các ngành sản xuất kinh doanh nền tảng, thì hậu quả về sau sẽ rất khó lường.
Vi Lâm