Báo Đồng Nai điện tử
En

Các ‘bẫy’ lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi

Hải Quân
08:04, 15/01/2024

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, mạng xã hội, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm người dùng khác nhau.

Một số hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng (Nguồn: Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) - Đồ họa: Hải Hà)
Một số hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng (Nguồn: Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) - Đồ họa: Hải Hà)

Mỗi nhóm người dùng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, nhằm lấy lòng tin, đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài sản.

* Nhiều hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã phát hành Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến.

Trong đó, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam như: lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video deepfake, deepvoice; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

Ngoài ra, còn có các hình thức cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…, giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…); lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo, lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển công tác viên online; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…

Phó chủ tịch Chi hội Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phía Nam Võ Văn Khang chia sẻ, theo thống kê của Bộ TT-TT, hiện Việt Nam có 79 triệu người dùng internet và trung bình mỗi người có 6,5 giờ sử dụng internet mỗi ngày. Đây là tỷ lệ rất cao và là môi trường thuận lợi cho các đối tượng phạm pháp tiếp cận và thực hiện các hành vi lừa đảo của mình, nhất là trong điều kiện kiến thức về an toàn thông tin của nhiều người sử dụng internet tại Việt Nam chưa cao.

Nhìn chung có thể chia ra 3 hình thức lừa đảo chủ yếu tại Việt Nam gồm: dụ dỗ tìm kiếm việc làm trong tình hình khó khăn về kinh tế, nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao; dụ dỗ đầu tư tài chính - đưa ra các hình thức đầu tư có lợi nhuận cao và sẵn sàng chi trả trong thời gian đầu để đưa nạn nhân vào sâu hơn với tổn thất nặng nề; giả mạo các cơ quan tổ chức để đe dọa chiếm đoạt tài sản như giả danh công an, thuế vụ, đơn vị điện lực, viễn thông…

“Vấn đế lớn nhất trong việc khó phát hiện ra hành vi lừa đảo chính là các đối tượng lừa đảo rất hiểu về nạn nhân, biết được nhu cầu và thông tin cá nhân, đưa ra các hình thức lựa chọn hoặc đe dọa rất tinh vi nên rất khó có thể nhận biết hoặc phát hiện nếu thật sự không có kiến thức hoặc bản lĩnh kiềm chế lòng tham, sự sợ hãi” - ông Võ Văn Khang nhận định.

Anh Huỳnh Hồ Thảo (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, mấy tháng trước anh nhận được điện thoại thông báo anh đã trúng thưởng chương trình của một cửa hàng điện máy lớn, trùng hợp là trước đó anh có mua hàng tại cửa hàng này. Tuy nhiên, muốn nhận được giải thưởng trên, anh phải tham gia vào nhóm Telegram và làm theo hướng dẫn của người gọi. "Khi đó đối tượng đưa tôi vào một nhóm Telegram, yêu cầu nộp 300 ngàn đồng gọi là phí hợp thức hóa giấy tờ, thuế của giải thưởng. Do nhiều tài khoản trúng thưởng khác liên tục gửi màn hình chuyển tiền thành công nên tôi cũng chủ quan chuyển cho đối tượng 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, vừa chuyển tiền xong đối tượng đã chặn tôi khỏi nhóm, lúc này tôi gọi đến số của cửa hàng để hỏi thì mới tá hỏa biết mình bị lừa" - anh Thảo chia sẻ.

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường nhấn mạnh, nạn Phishing (tấn công giả mạo) và lừa đảo trực tuyến gia tăng trong thời gian gần đây. Có các hình thức lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng, trong đó phải kể đến những bẫy lừa đảo “việc nhẹ lương cao”. Các đối tượng lừa đảo luôn đánh vào những điểm yếu tâm lý và những ham muốn nhất thời của người bị lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc có những hành vi xấu ảnh hưởng tới người bị lừa đảo…

* Để tránh lừa đảo trực tuyến

Bên cạnh mang đến sự tiện ích, sự phát triển của internet còn tồn tại những ảnh hưởng tiêu cực vì có nhiều nhóm đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội như: lừa đảo, cờ bạc, mua bán hàng cấm, kích động gây rối an ninh trật tự, xâm phạm an ninh quốc gia… Trong đó, những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là sự kết hợp với công nghệ deepfake, giả mạo hình ảnh và âm thanh của người khác. Từ đó, khiến các nạn nhân, nhất là những đối tượng yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân lao động, vốn có rất ít kinh nghiệm về an toàn thông tin dễ bị lừa đảo, lôi kéo vào các hình thức lừa đảo tài chính.

Theo báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo phối hợp công bố, năm 2023 nạn lừa đảo qua mạng làm mất 53 tỷ USD, trong đó riêng người Việt Nam bị chiếm đoạt 16 tỷ USD…

Ông Võ Văn Khang nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất trong việc phòng, tránh lừa đảo trên không gian mạng chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng. Trong đó, cần cảnh báo các nguy cơ có thể dẫn đến lừa đảo; cảnh báo cho tất cả các đối tượng dễ bị tấn công lừa đảo như là các cơ quan tổ chức tín dụng, ngân hàng, các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân khi có tài sản trên không gian mạng như tiền bạc, dữ liệu cá nhân… Cảnh báo để họ biết tuân thủ các quy định về an toàn, an ninh thông tin khi sử dụng không gian mạng cho các mục đích cá nhân của mình. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức bằng những buổi tập huấn, những buổi diễn tập do các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT-TT, Cục An toàn thông tin, Sở TT-TT, UBND các địa phương…

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho biết, Sở sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao cảnh giác đối với các hành vi lừa đảo trực tuyến, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng đến cán bộ công chức, viên chức, người dân, các đối tượng dễ bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh…

Trong đó, trong năm 2024 này, Sở tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị tiếp tục triển khai tuyên truyền các nội dung theo điều phối của Cục An toàn thông tin. Đồng thời, tiếp tục duy trì các hình thức tuyên truyền hiệu quả cao như: tổ công nghệ số cộng đồng; hệ thống loa, đài truyền thanh; OA Zalo, Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai…

Hải Quân

 

Tin xem nhiều