Thời gian qua, Đồng Nai đạt được nhiều kết quả trong cả 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để hướng tới mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về chuyển đổi số (CĐS) vào năm 2025, Đồng Nai đang "chạy đua" trong thực hiện các kế hoạch, chương trình đã đề ra.
Thời gian qua, Đồng Nai đạt được nhiều kết quả trong cả 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để hướng tới mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về chuyển đổi số (CĐS) vào năm 2025, Đồng Nai đang “chạy đua” trong thực hiện các kế hoạch, chương trình đã đề ra.
Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghi thức ra mắt nền tảng số - ứng dụng Đồng Nai CĐS vào tháng 2-2023. Ảnh: H.Hải |
Đồng Nai đã và đang xây dựng những nền móng đầu tiên cho quá trình CĐS với nhiều mô hình thí điểm được triển khai nhằm đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, phát triển các mô hình về CĐS theo hướng bền vững, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm.
* CĐS từ cơ sở
Đồng Nai đã triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã ở 3 địa phương: Long Phước (H.Long Thành), Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Tính đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập được 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 6,4 ngàn thành viên.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch CĐS năm 2023. Kế hoạch nêu 10 nhiệm vụ, lĩnh vực để thúc đẩy tiến trình CĐS trên địa bàn tỉnh. |
Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi Lê Hoàng Long cho biết, Ban chỉ đạo về CĐS của xã sẽ tập trung đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thực hiện CĐS đến nhân dân trên địa bàn thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng, qua trang thông tin điện tử, các nhóm Facebook, Zalo của cộng đồng dân cư và lồng ghép vào các buổi họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, ngày hội đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn các ấp… Qua đó, người dân sẽ nắm bắt kịp thời những thông tin về CĐS, phát huy tối đa nguồn lực thực hiện CĐS ở địa phương.
Ở cấp cao hơn, toàn tỉnh hiện có 2 địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) ở TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Các trung tâm IOC này hướng tới nhiều chức năng trên các lĩnh vực điều hành quản lý như: giám sát an toàn thông tin, giám sát lĩnh vực giáo dục, y tế, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát du lịch, hệ thống camera an ninh, giao thông, giám sát hành chính công…
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện, triển khai, vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh, qua đó tăng cường kết nối, tích hợp nhiều tính năng về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, giao thông… để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN và sự điều hành của chính quyền thành phố. Đồng thời, sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển các hoạt động tương tác, tính năng phù hợp trên ứng dụng Biên Hòa SmartCity để người dân có thêm kênh phản ánh, tra cứu các thông tin hiệu quả…
* Đa dạng các tiện ích, dịch vụ số
Trong thời gian qua, nhiều ứng dụng, chương trình CĐS nổi bật đã và đang ra mắt, triển khai trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần giúp cho người dân, DN thuận tiện hơn khi tra cứu, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số.
Đồ họa thể hiện xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các tỉnh, thành phố ở khu vực Đông Nam bộ trong lần công bố gần nhất của Bộ TT-TT. Thông tin: Bộ TT-TT - Đồ họa: Hải Hà |
Vào tháng 2-2023, tỉnh đã chính thức ra mắt ứng dụng Đồng Nai CĐS nhằm giới thiệu, tuyên truyền và cung cấp các tiện ích của nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân và DN. Ứng dụng này do Sở TT-TT làm đơn vị chủ trì, kết nối cùng với Liên minh Công nghệ Saigontel - NGS phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai.
Bà Lê Hải Ninh, Giám đốc Công ty TNHH NGS Công dân số - đại diện Liên minh SaigonTel - NGS chia sẻ, ứng dụng Đồng Nai CĐS là kênh kết nối hữu ích giữa chính quyền, người dân và DN, từ đó kịp thời nắm bắt các vấn đề xã hội và nhu cầu an sinh trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng này được triển khai trên cả hai nền tảng Android và iOS. Cùng với đó, ứng dụng còn có các công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) với mục đích phân tích các dữ liệu có được, tìm hiểu nhu cầu của người dân, từ đó đưa ra các thông tin được cá nhân hóa về thuê nhà, tuyển dụng, GT-VT, sử dụng điện, nước…
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), trong những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương liên tục nằm trong nhóm có chỉ số TMĐT cao của Việt Nam. Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) đã chính thức đưa vào hoạt động từ cuối năm 2021 đến nay.
Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành cho biết, sàn TMĐT Đồng Nai hiện là một trong những sàn đi đầu trong việc tích hợp thanh toán điện tử, logistics và được đánh giá cao về mức độ ứng dụng trong các sàn TMĐT địa phương đang được vận hành, triển khai. Hạ tầng về công nghệ của sàn được chuẩn bị khá tốt nhưng cần thêm sự đồng bộ giữa các bên liên quan, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết nối để sàn phát huy hiệu quả.
Hiện nay, Đồng Nai hướng đến mô hình kinh tế số, đẩy mạnh các tiện ích về thanh toán, tiêu dùng trên các nền tảng số đến người dân, DN để tạo động lực phát triển bền vững.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Phải có sản phẩm về CĐS Vấn đề quan trọng trong công tác CĐS ở các địa phương là người lãnh đạo, trực tiếp phải hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của việc CĐS. Lãnh đạo các địa phương phải hành động quyết liệt để có sản phẩm về CĐS. Sản phẩm đó cần được nghiên cứu kỹ để nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn người dân, DN. Trong quá trình đưa vào ứng dụng, nếu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dân, DN mới tiếp tục nhân rộng. Sản phẩm nào còn thiếu sót, hạn chế thì điều chỉnh hoặc dừng triển khai. Trong quá trình CĐS, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, còn người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm CĐS phù hợp, hiệu quả. Hải Quân (ghi) |
Hoàng Hải