Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (Vecom) vừa tổ chức diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam, đồng thời công bố báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2023. Báo Đồng Nai đã trao đổi với Chủ tịch Vecom NGUYỄN NGỌC DŨNG về các xu hướng TMĐT thông minh và việc thúc đẩy phát triển TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (Vecom) vừa tổ chức diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam, đồng thời công bố báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2023. Báo Đồng Nai đã trao đổi với Chủ tịch Vecom NGUYỄN NGỌC DŨNG về các xu hướng TMĐT thông minh và việc thúc đẩy phát triển TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Theo Bộ Công thương, TMĐT phát triển bền vững sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy nền kinh tế số. Năm 2022, Việt Nam có 52 triệu người tham gia TMĐT.
* Thưa ông, trước sự phát triển nhanh chóng của KH-CN và sự phổ biến của các mạng xã hội như hiện nay, những xu hướng nào về TMĐT đang được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm, cập nhật?
- Ngành TMĐT đã và đang là một trong những ngành có nhiều biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam. Trong năm 2023, TMĐT thông minh sẽ là xu hướng nổi bật khi trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành TMĐT không chỉ ở Việt Nam.
Người dân, doanh nghiệp trải nghiệm các tiện ích, dịch vụ số bên lề diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tại TP.HCM diễn ra vào tháng 4-2023. Ảnh: H.Hà |
Đối với TMĐT, AI sẽ hỗ trợ và mang lại nhiều thuận lợi như: viết bài, xây dựng content (nội dung), tạo ra những cách thức marketing thu hút, cũng như tập trung những ưu điểm, lợi thế để hướng đến mục tiêu phát triển xu hướng TMĐT thông minh (smart e-commerce). Đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, AI đã giúp cho DN giảm thiểu nhiều thời gian, chi phí vận hành. Bởi, thay vì DN phải tổ chức đội ngũ để nghiên cứu, kiểm tra thì nay đã có thêm nhiều công cụ hỗ trợ từ AI.
Bên cạnh đó, xu hướng shoppertainment - tức là kết hợp kênh bán hàng với giải trí đang là một xu hướng mới được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và ngày càng được các DN quan tâm. Đối với người tiêu dùng, thông thường khi truy cập bất cứ website hay kênh TMĐT nào chỉ có thông tin, thiếu sự tương tác thì sẽ nhàm chán. Do đó, nếu kết hợp thêm các yếu tố giải trí như xem các thần tượng biểu diễn, xem livestream, đồng thời ngay lúc đó xuất hiện đường link mua sắm các sản phẩm họ đang mong muốn… sẽ giúp khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện và đa dạng hơn.
* Khi tiếp cận những xu hướng mới, nhất là các công nghệ AI, các DN cần lưu ý những vấn đề gì?
- Hiện nay, các đơn vị, DN trực thuộc Vecom đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình đào tạo cho các DN, người kinh doanh về những xu hướng công nghệ mới, ứng dụng mới từ AI. Smart e-commerce là câu chuyện dài hơi được rất nhiều chuyên gia và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực TMĐT như: TikTok, Lazada, Nielsen, Accesstrade, Gosell, Haravan... chia sẻ tại diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam năm nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý đến vấn đề về các giải pháp tài chính thông minh, hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho người kinh doanh, cũng như phương án chi tiêu phù hợp dành cho người mua trong lĩnh vực TMĐT.
Trên thực tế, chính các DN, người kinh doanh TMĐT là những chủ thể có thể ứng dụng công nghệ, xu hướng kinh doanh, marketing tốt nhất. Họ hiểu được xu hướng bán hàng đa kênh là như thế nào. Những DN đã kinh doanh TMĐT bước đầu thành công thì luôn bám sát vào những diễn biến thị trường, cập nhật liên tục những chính sách pháp luật, xu hướng tiếp thị liên quan đến công nghệ, sáng tạo nội dung… Có thể nói, TMĐT là một trong những nơi phải cập nhật nhanh nhất để ứng phó trước thị hiếu, xu thế của thời đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, DN Việt cần tăng cường quảng bá, mời gọi người tiêu dùng trong nước sử dụng sản phẩm của mình bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đóng thuế đầy đủ... Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng ghi nhận, sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, các DN trong nước cần quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố như: chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, giá thành...
* Vừa qua, Vecom đã công bố báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2023. Thông qua xếp hạng, điểm số thành phần cấu thành chỉ số TMĐT có thể thấy rằng, vẫn còn khoảng cách lớn về chỉ số TMĐT giữa các tỉnh, thành với hai đầu cầu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Về vấn đề này, Vecom sẽ có những chương trình, hoạt động nào để hỗ trợ các địa phương, DN về phát triển TMĐT trong tương lai?
- Trong thời gian qua, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) là cơ quan quản lý nhà nước đã đồng hành với Vecom đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh TMĐT của các DN trên cả nước. Trên thực tế, không phải DN nào cũng thành công trong lĩnh vực TMĐT, vẫn có các trường hợp đang loay hoay trong lĩnh vực này, cũng như vẫn còn những khoảng cách về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương với Hà Nội và TP.HCM. Do đó, rất cần có thêm nhiều hoạt động, chương trình, diễn dàn với các chuyên gia đầu ngành và các cơ quan, ban ngành để cùng nhau chia sẻ, trao đổi nhằm có thêm sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ các DN, địa phương thúc đẩy phát triển TMĐT.
Từ năm 2019 đến nay, Vecom đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm hướng tới phát triển TMĐT bền vững, trong đó có nhiều hoạt động kết nối, tập huấn về TMĐT với các địa phương trên cả nước.
Trong thời gian tới, Vecom sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý, sở công thương các địa phương tăng cường các chương trình kết nối, tập huấn phát triển TMĐT cho DN địa phương, cũng như các chương trình góp phần quảng bá, kết nối phát triển thị trường các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) thông qua các kênh TMĐT uy tín…
Chuyên viên Sở Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP trong tỉnh đăng ký, quản lý gian hàng trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) Ảnh: Hoàng Hải |
* Ông có thể đánh giá về tiềm năng phát triển TMĐT của Đồng Nai? Địa phương cần lưu ý những yếu tố gì có thể nâng cao chỉ số, thứ hạng về TMĐT trong thời gian tới?
- Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển TMĐT. Trong những năm qua, tỉnh đã cùng với Vecom triển khai nhiều hoạt động kết nối, tập huấn cho DN, HTX, cơ sở kinh doanh trên địa bàn về TMĐT, giới thiệu những xu hướng kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên các kênh bán hàng qua mạng...
Vị trí của Đồng Nai nằm gần TP.HCM - địa phương dẫn đầu cả nước về TMĐT. Điều này vừa mang lại những cơ hội cũng như thách thức cho Đồng Nai trong lĩnh vực TMĐT. Để nâng cao chỉ số TMĐT, các địa phương, trong đó có Đồng Nai cần từng bước nâng cao các chỉ số thành phần gồm: chỉ số phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, chỉ số về giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C), chỉ số giao dịch giữa DN với DN (B2B)…
* Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2023 mới được Vecom công bố, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số EBI với 89,2 điểm, thứ 2 là Hà Nội với 85,7 điểm. Đứng thứ 3 là Đà Nẵng với 39,5 điểm. Chỉ số EBI của Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước (giảm 1 bậc so với năm trước đó) với 25,9 điểm. |
Hải Quân (thực hiện)