Thời gian qua, sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI đã gây sốt ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vì đây là lần hiếm hoi công chúng được tiếp cận với một mô hình AI lớn.
Thời gian qua, sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI đã gây sốt ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vì đây là lần hiếm hoi công chúng được tiếp cận với một mô hình AI lớn.
Tọa đàm Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: cơ hội và thách thức diễn ra vào đầu tháng 3-2023. Ảnh: H.Quân |
Dữ liệu phân tích từ Similar Web cho thấy sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng trên thế giới. Bên cạnh nhiều tính năng, ChatGPT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế nên người dùng cần thận trọng, xem xét kỹ mặt lợi, mặt hại khi ứng dụng công cụ này.
* Có dữ liệu tốt mới “gột nên hồ”
Trên thực tế, việc ứng dụng ChatGPT trong thời gian qua mang lại nhiều trải nghiệm, tính năng mới nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều sai số, thiếu chuẩn xác trong cung cấp kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử... và tự ChatGPT chưa phân định được đâu là thông tin đúng và thông tin sai.
TP.HCM “đặt hàng” nghiên cứu ứng dụng ChatGPT Tại tọa đàm Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và DN: cơ hội và thách thức diễn ra vào đầu tháng 3-2023, Sở TT-TT TP.HCM đã đặt hàng các nghiên cứu về ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN. Trong đó, nghiên cứu sử dụng công cụ trên vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, DN. |
Do đó, theo các chuyên gia, khi cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp (DN) muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì cần phải giỏi và làm chủ được ChatGPT. Nghĩa là, người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp.
Vào đầu tháng 3-2023, tại TP.HCM, Sở TT-TT, Sở KH-CN, Thành đoàn TP.HCM và Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức tọa đàm Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và DN: cơ hội và thách thức.
Tại tọa đàm này, PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, ChatGPT là công cụ xử lý ngôn ngữ hiệu quả, hữu dụng với khả năng tổng hợp, phân tích, phân loại dữ liệu, dịch thuật, cung cấp thông tin, đề xuất các hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu của ứng dụng này mới chỉ được cập nhật đến cuối năm 2021. Do đó, các thông tin mà ứng dụng cung cấp không hoàn toàn chính xác, nhất là vấn đề mang tính đặc thù: đất nước, dân tộc, văn hóa, từ ngữ ẩn dụ…
Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, AI nói chung và ChatGPT nói riêng, nếu được cung cấp dữ liệu đầu vào tốt thì nó sẽ hình thành sản phẩm tốt, có ích. Nếu không có sự kiểm soát nguồn dữ liệu đầu vào, thông tin tạo ra từ các ứng dụng AI, trong đó có ChatGPT, sẽ bị sai lệch.
“ChatGPT lấy thông tin từ rất nhiều nguồn trên thế giới từ nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng chúng ta không thể truy được nguồn nên không thể biết được thông tin đó có đúng hay không. Đặc biệt, thực tế hiện nay, ChatGPT không phân định được đâu là thông tin đúng và thông tin sai. Muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì người dùng phải tự trang bị kiến thức, thông tin kỹ càng để có thể kiểm chứng độ chính xác mà nó cung cấp” - PGS-TS Đinh Điền nhấn mạnh.
Tương tự, TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho hay, ChatGPT tiềm ẩn một số rủi ro như tin giả, lừa đảo mạng, thất thoát dữ liệu nhạy cảm. Do đó, cần có cơ chế kiểm soát và bảo vệ dữ liệu đầu vào, kiểm định tri thức đầu ra. Người dùng cũng cần chủ động bảo vệ tính riêng tư, không tin ChatGPT một cách máy móc, mù quáng. Ngoài ra, ChatGPT có nguy cơ làm rò rỉ thông tin, để giải quyết vấn đề này chúng ta cần làm sạch dữ liệu nguồn và tăng cường bảo vệ dữ liệu, kiểm định được thông tin đầu ra, yêu cầu trích dẫn nguồn.
“Về lâu dài, chúng ta cần có hệ sinh thái, hỗ trợ cộng sinh với ChatGPT để phát huy những thành tựu khoa học, ứng dụng vào thực tế và hãy xem nó là công cụ hỗ trợ vì con người mới chính là quyết định cuối cùng” - TS. Võ Văn Khang nhấn mạnh.
* Cần tiếp cận thận trọng, khoa học
ChatGPT đã tạo ra cơn sốt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phần lớn người dùng mới chỉ dừng ở mức dùng thử, tò mò tìm hiểu về một ứng dụng mới của AI, sử dụng Chat GPT như một hình thức giải trí, bắt trend (xu hướng).
Anh Quang Vinh (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), sinh viên năm nhất một trường đại học tại TP.HCM chia sẻ, do học ngành công nghệ thông tin nên vừa qua khi biết đến ứng dụng ChatGPT, anh đã thử mua gói cơ bản 39 ngàn đồng/tháng từ một nhóm trên mạng để sử dụng thử xem ứng dụng này có gì thú vị. Tuy nhiên, khi nền tảng này triển khai sâu hơn vào các gói Plus, trải nghiệm những tính năng cũng như những bước phát triển mới với mức phí 20USD (gần 500 ngàn đồng) thì người dùng phải cân nhắc.
“Tôi nhận thấy cách trả lời của ChatGPT còn khá máy móc, một số thông tin chưa được xác thực, kiểm chứng, thậm chí còn có cảnh báo về việc rủi ro trong bảo mật thông tin người dùng khi sử dụng ChatGPT...” - anh Vinh nói.
Trong khi đó, đối với các DN, nhất là các DN công nghệ, làn sóng AI, bao gồm cả ChatGPT, đang tác động đến nhiều lĩnh vực, góp phần thay đổi cách thức hoạt động của các DN và tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới.
CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam (TP.HCM) Lê Anh Tiến cho hay, với các tính năng của ChatGPT, các khâu trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị có thể ứng dụng công cụ này hiệu quả như: hỗ trợ khách hàng trong việc giải đáp các câu hỏi thường gặp, hướng dẫn sử dụng sản phẩm/dịch vụ và cung cấp các thông tin hữu ích cho khách hàng; tiếp thị qua các kênh truyền thông như email, chatbot, trang web, các ứng dụng di động; xử lý dữ liệu; hỗ trợ quản lý đơn hàng và giao nhận hàng hóa; chăm sóc khách hàng, ghi nhận những phản hồi, thắc mắc, khiếu nại từ khách hàng…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, DN về công nghệ, việc ứng dụng ChatGPT vào hoạt động của DN cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, việc sử dụng ChatGPT có thể dẫn đến việc thiếu tính nhân văn trong tương tác với khách hàng, dẫn đến mất lòng tin của khách hàng. ChatGPT có thể gặp khó khăn trong việc tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của DN cụ thể. Ngoài ra, ChatGPT có thể thiếu tính linh hoạt trong việc xử lý các tình huống khác nhau, dẫn đến hiệu quả không cao.
PGS-TS ĐINH ĐIỀN, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM): Trong hoạt động quản lý nhà nước, ChatGPT có thể sẽ giúp ích nhiều trong các dịch vụ công, có thể hỗ trợ phân tích các số liệu, viết bài tham luận, dịch đa ngữ, tóm tắt văn bản, phân loại văn bản theo lĩnh vực, cảm xúc, đề xuất một số giải pháp, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ; cung cấp các căn cứ pháp lý khi truy vấn thông tin, hỗ trợ dựng video… Tuy nhiên, cần phải có thời gian và có những nghiên cứu kỹ hơn ChatGPT để có thể áp dụng một cách phù hợp, hiệu quả công cụ này trong công tác quản lý nhà nước trong tương lai. CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam LÊ ANH TIẾN: Trí tuệ nhân tạo, trong đó có công cụ ChatGPT đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các DN công nghệ, tuy nhiên để tận dụng được tiềm năng của công nghệ này, các DN cần xem xét, tìm hiểu kỹ, chuẩn bị và hành động trước các thách thức tương lai. Trong đó, cần lưu ý các vấn đề về tuyển dụng và đào tạo nhân lực có chuyên môn về AI; đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ mới; tìm kiếm và khai thác các nguồn dữ liệu… Ngoài ra, cần bảo vệ dữ liệu và tuân thủ các quy định bảo vệ thông tin cá nhân trong việc sử dụng AI. Tạo ra các chính sách và quy trình để đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách công bằng và đáp ứng được các yêu cầu đạo đức và pháp lý. |
Hoàng Hải