Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 12/01/2025, 06:52 En

Kết nối cộng đồng bảo tồn văn hóa

07:07, 13/07/2023

Ông Thổ Nơi, dân tộc Chơro (ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) là một trong 206 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã góp sức vào việc kết nối cộng đồng bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng.

Ông Thổ Nơi, dân tộc Chơro (ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) là một trong 206 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã góp sức vào việc kết nối cộng đồng bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng.

Ông Thổ Nơi giới thiệu về nỏ và tên trước khi dạy cho con em đồng bào tập luyện để thi đấu trong dịp lễ
Ông Thổ Nơi giới thiệu về nỏ và tên trước khi dạy cho con em đồng bào tập luyện để thi đấu trong dịp lễ

Ông Thổ Nơi cho hay, năm 2010, Nhà Văn hóa dân tộc Chơro được Nhà nước đưa vào sử dụng và giao cho đồng bào trực tiếp quản lý. Với vai trò người có uy tín, ông là một trong những thành viên của Ban Điều hành nhà văn hóa gồm những người uy tín, già làng trong cộng đồng. Bên cạnh là địa điểm trưng bày, tổ chức lễ hội, nhà văn hóa còn cần phát huy hiệu quả hoạt động - đó là điều được ông Thổ Nơi xem là nhiệm vụ mà mình phải thực hiện.

Ông Thổ Nơi cho biết, để vận đồng đồng bào tham gia các lớp học do nhà văn hóa mở, ông đến từng nhà để thuyết phục. Nhờ vậy, chỉ ít lâu sau khi có nhà văn hóa, đội cồng chiêng với 10 thành viên; đội múa truyền thống với 20 người, đội nỏ với 5 thanh thiếu niên đã ra đời. Cá biệt có gia đình cả 4 anh em đều tham gia đội múa. Để trẻ em gắn bó và tập luyện thường xuyên, ngoài sử dụng “uy” của người có uy tín trong cộng đồng, ông còn “dụ tụi nhỏ” bằng việc bỏ tiền túi mua bánh kẹo, nước uống cho lớp học.

Không chỉ biểu diễn ở từng lễ cúng thần Rừng, thần Lúa của đồng bào, ông còn tích cực tìm cơ hội để đội cồng chiêng, đội múa tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ. Trong đó, hàng năm đồng bào Chơro tại Xuân Thiện phối hợp cùng Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật. Hay khi tỉnh, huyện tổ chức chương trình liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, ông lại xung phong đưa đội đi diễn.

“Qua đó, mình giới thiệu cái hay, văn hóa của đồng bào đến với nhiều người. Cũng từ những buổi biểu diễn này, con em đồng bào tự tin hơn khi tiếng cồng chiêng, điệu múa của đồng bào được mọi người biết, yêu thích. Nhờ vậy nhiều năm qua, dù những thành viên cũ trưởng thành và rời đi, song người mới cũng được bổ sung kịp thời” - ông Thổ Nơi nói.         

Sông Thao