Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đột phá trong hoạt động công tác Đảng

07:06, 12/06/2023

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Đảng và Nhà nước ta coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Đảng và Nhà nước ta coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giao diện Sổ tay đảng viên điện tử bản thử nghiệm. Ảnh: Ban Tổ chức Tỉnh ủy cung cấp
Giao diện Sổ tay đảng viên điện tử bản thử nghiệm. Ảnh: Ban Tổ chức Tỉnh ủy cung cấp

Xuất phát từ thực tế đó, Ban TVTU đã chỉ đạo xây dựng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Đây được coi là bước đột phá đòi hỏi các cơ quan khối Đảng phải thực sự đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tính cấp thiết của Sổ tay đảng viên điện tử

Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Anh Dũng cho biết, với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Đồng Nai đã chủ động CĐS mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, quá trình CĐS của tỉnh vào hoạt động công tác Đảng còn một số hạn chế. Đó là, việc cung cấp thông tin đến đảng viên và việc triển khai nghiên cứu, học tập các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy còn nhiều hạn chế. Các cấp ủy chưa theo dõi và chưa đánh giá được việc tham gia học tập nghị quyết của đảng viên. Trong các buổi sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị tài liệu họp và công tác hoàn thiện hồ sơ, tài liệu sau họp. Công tác thu thập, tiếp nhận các ý kiến đóng góp, phản hồi của đảng viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, các cấp ủy Đảng trong tỉnh tốn rất nhiều chi phí cho việc in, phát hành tài liệu, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đến đảng viên.

Trước thực tế đó, việc xây dựng đề án Phần mềm sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai là yêu cầu khách quan và thật sự cần thiết trong hoạt động công tác Đảng ở tất cả các loại hình chi bộ. Qua đó xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức Đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức hoạt động của các cấp ủy, chi bộ và đội ngũ đảng viên; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua môi trường CĐS, làm tiền đề cho việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trực tuyến trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử có thể sử dụng trên máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh... ứng dụng được cả cho Android và iOS thông qua cài đặt App Sổ tay đảng viên điện tử.

Phần mềm này có các tính năng nổi bật như: hỗ trợ trong công tác sinh hoạt Đảng; học tập nghị quyết; tin tức và truyền thông; văn kiện, tư liệu; quản lý văn bản và tiện ích.

Thí điểm tại 4 Đảng bộ trực thuộc tỉnh

Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, thông qua Sổ tay đảng viên điện tử, các đảng viên sẽ dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.

Theo khảo sát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến cuối năm 2022, tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh là 87.646 người. Tỷ lệ đảng viên sử dụng internet, 4G,5G cá nhân đạt khoảng 70-80%.

Ngoài ra, đảng viên còn có thể theo dõi lịch sinh hoạt định kỳ, xem nội dung sinh hoạt và tài liệu sinh hoạt; đồng thời có thể góp ý, phản hồi, kiến nghị để các cấp ủy nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng đảng viên một cách hiệu quả.

Với các bí thư/phó bí thư/thư ký ở các Đảng bộ/chi bộ, sổ tay đảng viên điện tử sẽ giúp quản lý toàn bộ các nghiệp vụ từ sinh hoạt Đảng, học tập nghị quyết, quy định đến việc ghi nhận ý kiến, nguyện vọng và tương tác giữa đảng viên và đảng ủy các cấp. Thông qua phần mềm, đảng ủy, chi ủy có thể gửi thông báo tới đảng viên cũng như tổ chức họp chi bộ trực tuyến một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Phần mềm còn hỗ trợ cấp ủy cấp trên kiểm tra hoạt động của cấp ủy cấp dưới, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, làm thay đổi tư duy, nhận thức để mỗi cán bộ, đảng viên thấy được vai trò của mình trong tự học tập, thích ứng với CĐS.

Đặc biệt, phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử sẽ kết nối trục liên thông dữ liệu toàn tỉnh dành cho công tác Đảng và có thể triển khai, định danh đến từng đảng viên. Qua đó, số hóa công tác sinh hoạt Đảng, học tập quán triệt các nghị quyết, tài liệu, tin tức liên quan đến đảng viên, từ đó sẽ nâng cao chất lượng học tập nghị quyết tại các cấp ủy và chi bộ trực thuộc.

Để tổ chức triển khai thực hiện phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử bảo đảm đồng bộ, liên thông, đạt hiệu quả, lộ trình đề ra, tỉnh sẽ chia làm 2 giai đoạn:  giai đoạn 1, từ nay đến cuối năm 2023 tổ chức thực hiện thí điểm tại 4 đảng bộ trực thuộc tỉnh: Khối các cơ quan tỉnh, Khối doanh nghiệp tỉnh, TP.Long Khánh và H.Cẩm Mỹ; giai đoạn 2: từ quý I-2024 trở đi, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, Ban TVTU đã thống nhất chủ trương xây dựng, ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử trong Đảng bộ tỉnh. Đồng chí đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc và đảm bảo mục đích, yêu cầu của đề án. Kết quả thực hiện Đề án phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử được lấy làm cơ sở đánh giá chất lượng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cá nhân người đứng đầu tổ chức, đơn vị, cấp ủy viên phụ trách địa bàn.              

Phương Hằng

Tin xem nhiều