Học sinh THPT là lực lượng đông đảo, nhạy bén trước cái mới, có tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ… Vì vậy, đây được coi là "mảnh đất màu mỡ" cho công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, góp phần đảm bảo tính kế thừa, sự phát triển liên tục của Đảng.
Học sinh THPT là lực lượng đông đảo, nhạy bén trước cái mới, có tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ… Vì vậy, đây được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, góp phần đảm bảo tính kế thừa, sự phát triển liên tục của Đảng.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) được kết nạp vào Đảng. Ảnh: Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi cung cấp |
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ đoàn viên được kết nạp Đảng trong khối trường học của cả nước còn ở mức thấp, chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng số đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
Còn khó khăn, bất cập
Chia sẻ tại diễn đàn nâng cao công tác phát triển Đảng trong học sinh mới đây, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết nhận định, tỷ lệ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp trong khối trường học thấp nhất trong các khối và tỷ lệ đoàn viên được kết nạp Đảng trong khối trường học hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, từ năm 2017-2022, toàn tỉnh có trên 13 ngàn đoàn viên ưu tú được kết nạp. Trong đó, đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khối trường học là 1.138 người (chiếm khoảng 8,6% tổng số đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng). Trong số đảng viên khối trường học được kết nạp có 772 đảng viên là học sinh và 366 đảng viên là sinh viên. |
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết, nguyên nhân là hiện nay chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn kết nạp Đảng cho khối trường học nói chung và học sinh THPT nói riêng. Thực tế cho thấy, phần lớn cấp ủy đều đặt yêu cầu tương đối cao về độ tiêu biểu, toàn diện đối với nhân tố học sinh được lựa chọn phát triển Đảng, như: thành tích học tập xuất sắc, đạt giải thưởng cao trong học tập cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia…
Đồng thời, theo quy định của Điều lệ Đảng, điều kiện kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là đủ 18 tuổi (tính theo tháng). Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này đã trở thành rào cản của nhiều học sinh có mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bởi, nhiều trường hợp đang thực hiện thủ tục xem xét kết nạp Đảng đúng lúc tốt nghiệp, nhà trường phải giới thiệu các em về địa phương để tiếp tục theo dõi. Chuyển sang môi trường mới, một số tổ chức Đảng thiếu quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng, các em lại phải phấn đấu lại từ đầu. Điều này dẫn đến hiện tượng một số em không còn động lực để phấn đấu vào Đảng.
Những khó khăn, bất cập trong công tác phát triển đảng viên là học sinh còn xuất phát từ chính phụ huynh và bản thân học sinh. Nhiều phụ huynh muốn con em mình tập trung vào việc học để thi tốt ở thời điểm cuối cấp nên chưa tạo điều kiện cho con em phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc vào Đảng nên chưa xây dựng cho mình động cơ phấn đấu trở thành đảng viên.
Cần những giải pháp đồng bộ
Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển Đảng là học sinh cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó có việc rà soát, đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản có liên quan, nhất là những nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn, tình hình hiện nay để tạo thuận lợi cho việc phát triển Đảng trong học sinh phổ thông.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong các trường học nhất là người đứng đầu về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong học sinh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đoàn trong nhà trường nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và các hoạt động Đoàn, qua đó lựa chọn, bồi dưỡng những học sinh ưu tú; giao việc và thử thách đủ mức, xét duyệt đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc, đúng quy trình để bồi dưỡng phát triển đảng viên.
Để thu hút đoàn viên là học sinh tìm hiểu về Đảng, cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn trong các trường học. Qua đó, phát hiện những nhân tố tích cực trong học tập, rèn luyện và hoạt động, có bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng để bồi dưỡng và giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét kết nạp.
Công tác bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lý luận chính trị cũng cần được đổi mới bằng những mô hình phù hợp với đoàn viên học sinh. Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Võ Văn Trung cho biết, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều mô hình để phát triển, bồi dưỡng, tạo nguồn đoàn viên ưu tú là học sinh. Có thể kể đến là mô hình CLB, tổ, đội, nhóm đoàn viên ưu tú; CLB, Tổ trung kiên trong khối trường học có sinh hoạt định kỳ đánh giá quá trình rèn luyện của đoàn viên ưu tú, lực lượng trung kiên… Song song đó là mô hình Ngày hội hạt giống đỏ được tổ chức hàng năm dành cho đoàn viên ưu tú khối THPT với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích.
Một số ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp giữa cấp ủy nhà trường và cấp ủy địa phương trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng; định hướng lựa chọn, xem xét nguồn học sinh, sinh viên giỏi trong học tập, nghiên cứu khoa học và tiêu biểu trong hoạt động xã hội, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển Đảng. Qua đó, nhằm tiếp tục theo dõi, giúp đỡ đối tượng đã học cảm tình Đảng nhưng chưa đủ tuổi kết nạp để có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ tại địa phương…
Nga Sơn