Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Đặt người lao động vào trung tâm của chính sách phát triển

08:06, 09/06/2023

Chú trọng quan tâm, chăm lo đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân lao động, là xuất phát điểm của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

[links()]Chú trọng quan tâm, chăm lo đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân lao động, là xuất phát điểm của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Trưởng ban Tài chính Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Minh Dũng trao quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Chợ Tết Công đoàn 2023. Ảnh: L.Xuân
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Trưởng ban Tài chính Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Minh Dũng trao quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Chợ Tết Công đoàn 2023. Ảnh: L.Xuân

Trong khi các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc cho rằng công nhân lao động đang bị “bỏ rơi”, “bơ vơ” chống chịu với cuộc sống bần cùng thì người đứng đầu Chính phủ đã liên tục có các buổi đối thoại với công nhân tại các địa phương có công nghiệp phát triển. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của công nhân lao động và có những chính sách hỗ trợ quyết liệt, kịp thời.

* Hàng loạt chính sách chăm lo cho người lao động

Trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại nhiều địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo đời sống và công việc của công nhân; đồng thời, giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngay từ năm 2021, Chính phủ đã quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68/NQ-CP). Trong đó có các chính sách nổi bật như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động… Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ kịp thời cho 36,4 triệu lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền 45,6 ngàn tỷ đồng.

Tiếp đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Còn trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm là nhóm nhiệm vụ đứng thứ 2. Theo đó, hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm…

Tại Đồng Nai - địa phương thu hút hơn 1,2 triệu công nhân lao động, các chính sách chăm lo cho đời sống NLĐ được đặc biệt quan tâm. Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân chính sách theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Ước tính toàn tỉnh có 260 ngàn lao động được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng số tiền hỗ trợ gần 339 tỷ đồng.

Ngoài gói hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, các đơn vị đã tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Quyết định 122 của UBND tỉnh về chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 5-2023, các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 448 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền 672 triệu đồng và 8.655 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động với số tiền gần 13 tỷ đồng.

Ngay đầu năm 2023, tình hình lao động - việc làm vẫn gặp khó khăn, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định về việc chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Theo đó, những lao động đang làm việc tại các DN, HTX ở Đồng Nai bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên được hỗ trợ một lần mức 1,5 triệu đồng/người...

* Khẳng định vai trò không thể thay thế của tổ chức Công đoàn

Thông tin từ Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, theo báo cáo của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023, đã có khoảng 1.300 DN tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của hơn 546 ngàn NLĐ. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung trong 3 ngành: dệt may, giày da, chế biến gỗ; chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (chiếm 70% tổng số NLĐ bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Tuy nhiên, với sự chia sẻ của NLĐ và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho NLĐ của DN nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 giảm so với Tết năm 2022. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các hoạt động đều ưu tiên hướng về cơ sở, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Riêng tại Đồng Nai, với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, dịp Tết năm 2023, các cấp Công đoàn tỉnh triển khai các hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, hỗ trợ trên 850 ngàn công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền khoảng 250 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh vào tháng 2-2023, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, LĐLĐ tỉnh có những cách làm rất cụ thể, rất sát với đời sống NLĐ. Ví dụ, Tết vừa qua, LĐLĐ tỉnh kịp thời kiến nghị, đề xuất tỉnh hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền tuy không lớn nhưng với số lượng NLĐ rất lớn thì tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là rất lớn. Dù vậy, món quà Tết góp phần giúp cho NLĐ trong ngày lễ, Tết vui hơn, để họ tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vai trò của tổ chức Công đoàn được khẳng định.

Nỗ lực duy trì việc làm, ổn định đời sống công nhân

Bước sang năm 2023, đơn hàng của DN tiếp tục giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất khiến cho nhiều DN phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động thay vì tuyển người như các năm trước. Thực trạng này đang xảy ra tại nhiều DN trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Theo LĐLĐ tỉnh, riêng trong tháng 3-2023, trên địa bàn tỉnh có 3 DN phải cắt giảm trên 2 ngàn lao động do bị sụt giảm đơn hàng. Các DN này đều thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định và có báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về các chế độ cho những lao động bị cắt giảm.

Bên cạnh những DN thực hiện các thỏa thuận, cũng như quy định pháp luật về lao động thì trong bối cảnh khó khăn hiện nay một số DN vẫn nợ lương, bảo hiểm xã hội của NLĐ, thậm chí có DN có chủ bỏ trốn khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề. Khi có phản ánh của công nhân, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh để hỗ trợ và lên phương án giải quyết kịp thời các chính sách liên quan đến quyền lợi của NLĐ.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN sản xuất công nghiệp, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là DN có đông công nhân; chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp giảm 9,17% so với cùng kỳ, đây là mức giảm lớn nhất so các năm gần đây, chỉ sau năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành 2021.

Dù việc làm và thu nhập giảm, song nhìn chung công nhân lao động vẫn đang tích cực làm việc, học tập nâng cao tay nghề để đảm bảo cơ hội việc làm, quan hệ lao động tại DN ổn định và hài hòa.

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân làm việc lại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chia sẻ: “Hiện đơn hàng giảm, thu nhập của tôi cũng giảm so với trước song trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, công nhân có việc làm, không thất nghiệp đã là may mắn. Do đó, tôi vẫn cố gắng làm việc, tiết kiệm chi tiêu, đồng hành với DN vượt qua giai đoạn khó khăn này để chờ kinh tế phục hồi, đảm bảo việc làm bền vững”.

Thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng, tính đến cuối tháng 4-2023, LĐLĐ tỉnh đã rà soát và ra quyết định phê duyệt hỗ trợ cho hơn 16 ngàn NLĐ với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.

Lâm Viên - Thảo Nguyên

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng trong công nhân lao động

Tin xem nhiều
Tin đăng tìm việc làm ở cần thơ tại Vieclam24h Tìm kiếm việc làm lương tốt