Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn nhằm tri ân, tỏ lòng biết ơn đối với công lao lập nước của các Vua Hùng.
Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn nhằm tri ân, tỏ lòng biết ơn đối với công lao lập nước của các Vua Hùng.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tặng hoa chúc mừng Ban tổ chức và các thí sinh tham dự vòng chung kết Hoa hậu Du lịch thế giới năm 2022 trải nghiệm tại đền Hùng. Ảnh: TTXVN |
Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (gọi tắt Khu di tích) Lê Trường Giang cho biết, năm 2012 tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Đền Hùng năm nay trùng với đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 nên dự kiến sẽ thu hút đông khách về vùng đất Tổ linh thiêng để dâng hương tưởng nhớ công lao lập nước…
* Nhiều sự kiện quan trọng
Cũng theo ông Lê Trường Giang, năm 2023, tỉnh Phú Thọ sẽ chủ trì tổ chức lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - du lịch đất Tổ tại Quảng trường Hùng Vương, TP.Việt Trì từ ngày 20 đến 29-4 (nhằm mùng 1 đến 10-3 âm lịch) với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.
“Tổ chức các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Khơi dậy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương đất Tổ cùng các di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh” - ông Giang nhấn mạnh.
Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đội, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hàng năm trở thành ngày lễ lớn - quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. |
Ông Giang cho biết, Kế hoạch số 589 của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 1-3-2023 xác định, lễ hội năm nay có 2 phần lễ và hội. Trong đó, lễ giỗ Đức Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tổ chức ngày 25-4 (tức mùng 6-3 âm lịch); lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong” ngày 29-4 (tức mùng 10-3 âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các đơn vị cấp huyện, các tổ chức và cộng đồng từ ngày 20 đến 29-4, do các địa phương chủ động đăng ký với Khu di tích.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần hội năm nay có nhiều điểm mới, gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - du lịch đất Tổ, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ. Điểm nhấn là khai mạc lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 và Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 21-4 (tức mùng 2-3 âm lịch) do tỉnh Phú Thọ và Bộ VH-TTDL chủ trì, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và các địa phương.
Cùng với đó, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức trong dịp này như: Hội thảo quốc tế với chủ đề Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam; Giải bơi chải và trình diễn ván chải đứng trên hồ công viên Văn Lang; Giải bóng đá Cúp Hùng Vương; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương; hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023; triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ; liên hoan Văn hóa ẩm thực đất Tổ; hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương…
* Linh thiêng nguồn cội
Trước khi diễn ra lễ hội Đền Hùng, nhiều du khách từ mọi miền đất nước đã về vùng đất Tổ dâng hương, tri ân và được trải nghiệm sự linh thiêng nguồn cội.
Bà Trần Nguyệt Nga, Việt kiều Đức, quê TT.Lâm Thao (H.Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Là người con quê hương Phú Thọ, sống xa Tổ quốc, tôi đã lỗi hẹn nhiều lần với gia đình, bạn bè vào dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Năm nay, tôi thu xếp cho cả gia đình về quê, đến với đền Hùng, tham quan các di tích lịch sử, hiểu hơn về các giá trị văn hóa đã được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động rất linh thiêng, ý nghĩa để giáo dục truyền thống nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên cho các con tôi đang học tập, sinh sống xa Tổ quốc”.
Bà Nga đã sinh sống, làm việc ở Đức hơn 15 năm và nhiều lần trở về nước, nhưng năm nay vợ chồng bà cùng 2 con về đúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa quan trọng, nhất là với con gái út chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch tại Đức.
Chị Trần Thị Hương cùng nhóm bạn từ tỉnh Nam Định đến dâng hương đền Hùng vui vẻ bộc bạch: “Tôi vẫn thường cùng gia đình, bạn bè đến lễ hội hàng năm. So với trước đây, năm nay Khu di tích không còn cảnh người buôn bán chèo kéo khách hàng, người ăn xin ngồi ven các lối lên dâng hương ở các địa điểm linh thiêng… Điều này cho tôi cảm xúc thật đặc biệt, được trải nghiệm sự linh thiêng nguồn cội đúng nghĩa”.
Anh Nguyễn Thanh Đàn, du khách đến từ TP.HCM cho hay, đây là lần đầu tiên anh được đến Khu di tích tại đúng nơi linh thiêng nguồn cội.
“Nhà tôi ở gần Khu di tích Đền Hùng tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, nhưng được đến tại nơi nguồn cội vùng đất Tổ cảm xúc thật đặc biệt. Tôi rất xúc động với biểu tượng nơi Bác Hồ đã nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong. Điều này khơi dậy trong tôi ý thức phải góp phần nhỏ vào việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” - anh Đàn nói.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm đền Hùng (19-9-1954 và 19-8-1962). Tại đây, Người đã nói câu bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Từ đó, đã là người con đất Việt đều thuộc câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.
Theo Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hồ sơ đề trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa thế giới đã rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh tnêu hần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất là di sản nổi bật mang tính toàn cầu. Ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Nguyệt Hà