Các bài viết, bài phát biểu được tập hợp trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, lý giải thấu đáo những vấn đề cốt lõi về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua.
Các bài viết, bài phát biểu được tập hợp trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, lý giải thấu đáo những vấn đề cốt lõi về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua.
Tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Tổng bí thư đã hệ thống lại các vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, tập trung trả lời từ góc độ thực tiễn Việt Nam những vấn đề còn nhiều trăn trở, còn có ý kiến khác nhau như: Nguyên nhân gốc rễ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực là gì? Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực liệu có làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm sự phát triển của đất nước? Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? Và, cần phải làm gì để tiếp tục phòng, chống tham nhũng hiệu quả?
* Giúp nhận thức đúng, đầy đủ
Trong quá trình luận giải những nội dung trên, Tổng bí thư giúp cho người đọc nhận thức đúng, đầy đủ hơn vấn nạn tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời cũng cho người đọc thấy rõ sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng ta về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng bí thư cho rằng, tham nhũng là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, cái gốc của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. “Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Sáng nay 11-4, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thông tin lý luận về nội dung tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy đến điểm cầu các cấp ủy trực thuộc. Trước đó, Ban TVTU đã ban hành Kế hoạch số 238-KH/TU ngày 28-3-2023 về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm này của đồng chí Tổng bí thư nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta… N.P |
Để trả lời cho ý kiến thắc mắc: đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liệu có làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm sự phát triển của đất nước? Tổng bí thư khẳng định, mục đích của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, hoàn toàn không phải là cuộc đấu tranh giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, cũng không phải chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm chậm sự phát triển của đất nước. Về điều này, Tổng bí thư viết: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.
Trước đây, chúng ta thường quan tâm nhiều đến những thiệt hại ở góc độ kinh tế do tham nhũng, tiêu cực gây ra, nhưng quan điểm của Tổng bí thư thì đó chỉ là những tác hại trước mắt, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ mới là tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù vậy, Tổng bí thư cũng thừa nhận, chúng ta không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng, tiêu cực trong một thời gian ngắn bởi tham nhũng, tiêu cực diễn ra đối với những người có chức, có quyền cho nên đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một chặng đường dài “là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta “phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội, không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”.
* Đảm bảo “4 không” trong phòng, chống tham nhũng
Đích đến của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải là chúng ta đã phát hiện được bao nhiêu vụ, xử lý được bao nhiêu người mà quan trọng là qua đó để cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp còn lại, Tổng bí thư viết: “xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính”.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, “một xu thế không thể đảo ngược”, vậy nên cho dù “chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm”.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại mà Tổng bí thư đã thẳng thắn thừa nhận trong bài viết: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Thực trạng đó đã khiến Tổng bí thư phải nặng lòng, trăn trở: “Tại sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn”.
Kinh nghiệm cho thấy, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, cần phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Trong đó, nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự lãnh đạo, trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng, còn sức mạnh, động lực của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính đến phát hiện, xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ khi thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp này mới đảm bảo được “4 không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần”.
TS Vũ Thị Nghĩa