Nhắc đến Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, không thể không nhắc đến Dinh Độc Lập. Chính tại nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mà trong đó, khoảnh khắc đã đi vào lịch sử của dân tộc chính là trưa 30-4, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nhắc đến Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, không thể không nhắc đến Dinh Độc Lập. Chính tại nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mà trong đó, khoảnh khắc đã đi vào lịch sử của dân tộc chính là trưa 30-4, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nhân dân Sài Gòn kéo về Dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Từ dấu mốc này, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông đất nước thống nhất một dải vẹn toàn.
* Nơi ghi dấu những thời khắc lịch sử
Trong tháng 4-1975, quân ta đã tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ ngay tại Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Theo tư liệu tại Dinh Độc Lập, ngày 8-4-1975, trung úy phi công Nguyễn Thành Trung, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động bí mật trong không lực Việt Nam Cộng hòa, nhận lệnh lái chiếc F5E chở theo 4 quả bom MK82, loại 227kg xuất phát từ sân bay Biên Hòa để yểm trợ cho một cuộc hành quân tại Phan Thiết. Nguyễn Thành Trung đánh lạc hướng đài kiểm soát, bay về Sài Gòn thả 2 quả bom xuống Dinh Độc Lập, sau đó máy bay hạ cánh xuống đường băng dã chiến trong vùng giải phóng ở tỉnh Phước Long. Vụ ném bom đã làm hư sân đáp máy bay trực thăng và cầu thang trung tâm. Sự kiện này đã gây chấn động chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh di tản khẩn cấp những người Mỹ còn lại khỏi Sài Gòn.
Sau những trận thắng liên tiếp tại các mặt trận vào những ngày cuối tháng 4 cách đây gần nửa thế kỷ, quân ta đã siết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn, đúng 0 giờ ngày 29-4-1975, các binh đoàn chủ lực của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. 9 giờ 30 ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn để điều đình giao chính quyền.
“Hơn 40 năm gặp lại Sài Gòn. Sài Gòn đẹp lắm! Chúng tôi là chiến sĩ năm xưa về gặp lại Sài Gòn” - một chiến sĩ năm xưa viết trong sổ cảm tưởng của Dinh Độc Lập. |
Đúng 10 giờ 45 ngày 30-4-1975, Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu đã tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính cửa Dinh Độc Lập. Những phút sau đó, tiếp tục có thêm nhiều xe tăng - xe thiết giáp và bộ đội quân giải phóng tiến vào dinh.
11 giờ 30 cùng ngày, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
Cùng lúc này, ở phòng khánh tiết của dinh cũng diễn ra lễ bàn giao giữa đại diện quân giải phóng và nội các của chính quyền Dương Văn Minh. Từ đó, Dinh Độc Lập cũng trở thành chứng tích lịch sử, nơi ghi dấu thời khắc kết thúc của chính quyền Sài Gòn, giang sơn Việt Nam thu về một mối.
Trong trưa 30-4-1975, Tổng thống của chính quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh đã lên chiếc xe Jeep sang Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng.
* “Địa chỉ đỏ” thu hút người dân, du khách
Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những ngày tháng 4 này, Dinh Độc Lập (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM) vẫn đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Từng khán phòng, từng cột cờ, từng cánh cổng, từng chiếc xe tăng… đưa người xem về với những ngày tháng 4 hào hùng và rất đỗi thiêng liêng của dân tộc. Để từ đó hiểu rõ hơn những biến cố, những giai thoại, cùng thời khắc quan trọng ghi dấu sự kết thúc của chính quyền Sài Gòn, để từ đây non sông Việt Nam thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Và cũng để nhìn lại dấu son của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của thế hệ cha anh và trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay.
Lễ kết nạp đội viên tại Dinh Độc Lập trong những ngày tháng 4 lịch sử. Ảnh: N.Hạ |
Trong cái nắng tháng 4, một số trường tiểu học tổ chức lễ kết nạp đội viên mới ngay tại Dinh Độc Lập để tạo một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn khó phai trong hành trang trưởng thành của mỗi đội viên. Đây cũng là dịp để các em đội viên, học sinh tìm hiểu lịch sử và những câu chuyện về di tích quốc gia đặc biệt này.
“Vốn là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng khi được tham quan các hiện vật lịch sử, nghe thuyết minh, xem phim tư liệu về các sự kiện liên quan đến Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã giúp em nắm bắt được kiến thức lịch sử một cách gần gũi, sâu sắc và ấn tượng. Bài học lịch sử trực quan, sinh động này giúp em có thêm nhiều cảm xúc, yêu thêm lịch sử nước nhà cũng như trân quý hơn cuộc sống độc lập, hòa bình ngày nay” - em Nguyễn Ngọc Nhi, học sinh tại TP.HCM, tham quan Dinh Độc Lập chia sẻ.
Hiện nay, tại Dinh Độc Lập đang trưng bày chiếc trực thăng UH1 là hiện vật đồng dạng, cùng thời với trực thăng mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng. Cùng với đó là 2 khoảnh tròn và mảnh bom còn sót lại ghi nhớ vụ ném bom của phi công Nguyễn Thành Trung. |
Trong khi đó, ông Trần Văn Nam (60 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, trong dịp vào thăm các con ở TP.HCM, Dinh Độc Lập là địa điểm đầu tiên ông ghé thăm. “Hình ảnh chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh vẫn mãi trong tâm trí tôi. Nơi đây đã ghi dấu ngày đại thắng của toàn dân tộc, một nơi rất ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam. Khi tham quan và nghe chia sẻ những câu chuyện về di tích này, tôi rất xúc động, bởi cha ông ta đã trải qua những năm tháng kháng chiến hào hùng để có được ngày vui thống nhất” - ông Nam chia sẻ.
Hiện nay, Dinh Độc Lập là một điểm đến thú vị không thể bỏ lỡ của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm TP.HCM. Bên cạnh tham quan Dinh Độc Lập, du khách còn có thể tìm hiểu khu trưng bày chuyên đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” với nguồn tư liệu phong phú và sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại, trưng bày thực hành cách tiếp cận và diễn giải lịch sử sống động, giúp khách tham quan không chỉ được xem mà còn nghe, tương tác để khám phá lịch sử và tự trải nghiệm.
Lâm Viên - Nhật Hạ