Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng đất Chiến khu Đ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

01:04, 28/04/2023

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Sài Gòn từng truyền tai nhau câu nói: "Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất". Chiến khu Đ là thành lũy cách mạng, vùng án ngữ chiến lược nối liền nhiều chiến trường và là cầu nối quan trọng từ hậu phương lớn miền Bắc với Nam bộ.

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Sài Gòn từng truyền tai nhau câu nói: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Chiến khu Đ là thành lũy cách mạng, vùng án ngữ chiến lược nối liền nhiều chiến trường và là cầu nối quan trọng từ hậu phương lớn miền Bắc với Nam bộ.

Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1968
Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, năm 1968. (Ảnh chụp tại Triển lãm Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Thùy Trang)

Huyện Vĩnh Cửu là địa bàn trọng điểm của cách mạng trong xây dựng và bảo vệ căn cứ Chiến khu Đ, cũng là trọng điểm vành đai sân bay Biên Hòa của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt, từ Chiến khu Đ, đoàn quân giải phóng đã phối hợp với các mặt trận khác thực hiện thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

* Lưu dấu chiến khu anh hùng

Trước tình hình chuyển biến của cách mạng miền Nam, tháng 1-1961, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ và xây dựng căn cứ tại Chiến khu Đ, nay là xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Chính tại nơi đây, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo mở hành lang chiến lược từ miền Đông Nam bộ nối thông với tuyến đường từ miền Bắc vào, nối tiếp đường Trường Sơn huyền thoại, tiếp nhận sự chi viện to lớn của miền Bắc cho quân dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ, cứu nước.

Với vị trí quan trọng của vùng ven bao quanh TX.Biên Hòa, cửa ngõ vào Sài Gòn, đồng thời là cửa ngõ án ngữ Chiến khu Đ, ngay từ đầu, chính quyền Sài Gòn rất chú trọng đánh phá Vĩnh Cửu với các thủ đoạn, âm mưu tàn độc nhất. Mục đích của địch là ngăn chặn lực lượng cách mạng và tiến công vào Chiến khu Đ, do đó, địch thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm biến H.Vĩnh Cửu thành vùng trắng, làm mất địa bàn của cách mạng, cắt đứt mối liên hệ giữa kháng chiến với quần chúng nhân dân.

Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh H.Vĩnh Cửu LÊ QUỐC DOANH nhắn nhủ: “Những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta rất anh dũng và bi tráng, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn thành quả cách mạng của cha ông”.

Trong khi đó, với cách mạng, Vĩnh Cửu là nơi cung cấp nhân lực, vật lực, là bàn đạp tiến công địch ở TX.Biên Hòa, cửa ngõ bảo vệ Chiến khu Đ, đường hành lang vận chuyển chiến lược của Khu và các tỉnh Đông Nam bộ. Do đó, cuộc đấu tranh của ta và địch ở vùng đất này hết sức gay go, quyết liệt.

Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh H.Vĩnh Cửu Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta hào hùng ở chỗ các đồng chí lãnh đạo, cũng như quân dân ta ở Chiến khu Đ ngày ngày nếm mật nằm gai nơi rừng thiêng nước độc chiến đấu với địch có phương tiện, vũ khí hiện đại… nhưng lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, anh dũng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng”.

Trong ngày vui đại thắng

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, Đảng bộ và quân dân H.Vĩnh Cửu đã kiên cường bám trụ địa bàn, phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo trong chiến đấu, kết hợp lực lượng vũ trang địa phương với chủ lực, kết hợp 3 mũi đấu tranh đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên đánh bại địch hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng miền Nam, non sông liền một dải.

Những trang sử hào hùng của quân và dân Vĩnh Cửu trong những ngày tháng 4 lịch sử được ghi lại trong sách Tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai. Theo đó, đêm 28-4-1975, pháo binh ra từ Hiếu Liêm dội cấp tập vào sân bay Biên Hòa, Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn. Tiểu đoàn 9 đặc công nhanh chóng tiến công vào căn cứ thiết giáp Hóc Bà Thức. Ngày 29-4-1975, lá cờ quyết thắng của tiểu đoàn hiên ngang tung bay trên nóc nhà chỉ huy căn cứ Hóc Bà Thức. 1 giờ sáng 30-4-1975, bộ đội huyện và du kích lần lượt giải phóng Tân Định, Đại An, Chi khu Công Thanh… Đến sáng 30-4-1975, H.Vĩnh Cửu hoàn toàn giải phóng, lịch sử cách mạng mảnh đất anh hùng bước sang trang mới.

Một vùng đất lưu dấu nhiều chiến công, son sắt với cách mạng, nên không chỉ Đảng bộ và nhân dân H.Vĩnh Cửu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân nhiều xã của huyện cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này. Cụ thể là, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã: Phú Lý, Bình Lợi, Trị An, Tân An, Tân Bình, Thạnh Phú, Thiện Tân; Đội dân quân du kích xã Thiện Tân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Tập thể anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mỹ Ngôn - Thảo Nguyên

 

Tin xem nhiều