Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, vị tướng tài ba, uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân được sinh ra trên quê hương Quảng Bình cách đây tròn 1 thế kỷ (1-3-1923 - 1-3-2023).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, vị tướng tài ba, uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân được sinh ra trên quê hương Quảng Bình cách đây tròn 1 thế kỷ (1-3-1923 - 1-3-2023).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên |
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm cũng như nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông góp phần tôn vinh nhà lãnh đạo có uy tín lớn, nhà quân sự xuất sắc, tiêu biểu của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân.
Có mặt ở mọi trận tuyến
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho rằng, khởi nguồn từ lòng yêu nước, truyền thống quê hương và gia đình, cùng với khát khao được góp sức vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sớm giác ngộ cách mạng, xác định rõ lý tưởng phấn đấu và sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi ông tròn 16 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn bó với nhiều chiến trường khó khăn, gian khổ nhất, đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách, vượt bao cam go, thử thách khốc liệt của chiến tranh. Với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo, nhạy bén, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung tướng ĐỒNG SỸ NGUYÊN, tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ (1923-2019), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; nguyên Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Với những công lao to lớn và thành tích đặc biệt xuất sắc, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. |
“Ở bất kỳ mặt trận nào, chiến trường khốc liệt, gian khổ nào, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, là những đóng góp to lớn của ông đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tuyến giao thông huyết mạch mà ông là vị tư lệnh đứng đầu đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” - thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên khẳng định.
Thiếu tướng, PGS-TS Kim Ngọc Đại, Phó hiệu trưởng Trường đại học Chính trị Hà Nội cho rằng, kể từ khi được thành lập cho đến ngày 30-4-1975, tuyến đường chiến lược Trường Sơn có khoảng thời gian 6 ngàn ngày tồn tại với 120 ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ. Tuyến đường chiến lược Trường Sơn với vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lãnh đạo luôn trụ vững, là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và trở thành “con đường huyền thoại”, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại.
Thiếu tướng, PGS-TS Kim Ngọc Đại nhấn mạnh: “Với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã nêu cao ý chí kiên cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo phương châm “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”; “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…”.
Trong lần gặp mặt các cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn mới đây, thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh kể lại, trong thời gian trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn 1967-1976), tuyến giao thông chiến lược từ một con đường mòn nhỏ trở thành tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được mệnh danh “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”…
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là người “giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”, “kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam”; đồng thời là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn và cùng hàng trăm ngàn chiến sĩ Trường Sơn tạo nên trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam.
Vị tướng có tầm nhìn vượt thời đại
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo khoa học “Đồng chí trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình” vừa được tổ chức nhân 100 năm Ngày sinh trung tướng, đã viết: “… Ngay sau Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở hội nghị ngày 1-3-1973 nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất chủ trương: Chỉ đạo tất cả các đơn vị trên toàn tuyến bằng mọi giá phải tìm và đưa ngay hài cốt các liệt sĩ Trường Sơn hy sinh trên đất bạn Lào về đất mẹ. Ý kiến đầy nhân văn, nghĩa tình của ông đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đồng tình”.
Đông đảo người dân, cán bộ, chiến sĩ viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: N.Hà |
Thực hiện chỉ đạo này, một thời gian ngắn sau đó, phần lớn liệt sĩ hy sinh nằm trên đất bạn Lào phía Tây Trường Sơn cũng như các tuyến đường Trường Sơn được quy tập đưa về khu vực Đồi Bến Tắt - địa điểm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ngày nay (năm 1974, khu vực này là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Trường Sơn).
Trong lịch sử của Bộ đội Trường Sơn đã ghi lại: Tại hội nghị Đảng ủy tháng 8-1974, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trình bày kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Kế hoạch được đánh giá cao, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã giao cho Cục Chính trị điều động kỹ sư, khảo sát, tìm địa điểm. Song với tầm nhìn vượt thời đại, ông trực tiếp xem xét chi tiết địa hình địa thế khu vực Đồi Bến Tắt và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngày nay cũng bắt đầu từ đó.
Theo ông Hoàng Văn Minh, Phó trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, khi xây dựng nghĩa trang, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu cán bộ phải thiết kế để Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà còn là một địa chỉ văn hóa xứng tầm quốc gia, do đó phải đẹp và hài hòa với cảnh quan môi trường, hài hòa phong thủy...
“Ngày 24-2-1975, lễ khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được tiến hành trang trọng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người cuốc nhát đầu tiên động thổ và đến ngày 10-4-1977, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã hoàn thành. Năm 1999, Nhà nước có quyết định cải tạo và nâng cấp thành Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn” - ông Hoàng Văn Minh cho biết.
Ngày nay, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của gần 11 ngàn liệt sĩ đã hy sinh trên các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ngày nay vừa là địa chỉ tâm linh, vừa là địa chỉ văn hóa xứng tầm quốc gia, khu vực, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc, trung tướng ĐỒNG SỸ NGUYÊN là người được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ về người thủ trưởng của mình: “… Đảng, Nhà nước, Quân đội bổ nhiệm trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn là đã sáng suốt lựa chọn được người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có lý luận quân sự vững chắc, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, được rèn luyện, thử thách trên nhiều cương vị công tác cách mạng của Đảng. Tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh ngày nay trở thành hiện thực có công lao đóng góp từ những ấp ủ, sự chuẩn bị đầy đủ của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên”. |
Nguyệt Hà