Hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ…
Hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ… là những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện 2 đề án: Tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ (gọi tắt là Đề án 938) và Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (gọi tắt là Đề án 939).
Hội viên phụ nữ trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại các hội nghị do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: N.SƠN |
Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy; sự nỗ lực, nghiêm túc của chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các cơ quan, đơn vị, các địa phương, tổ chức Hội phụ nữ các cấp trong việc triển khai thực hiện 2 đề án, góp phần khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.
Cùng vào cuộc
Tháng 6-2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt 2 đề án với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.
Sáng nay 24-3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 938 và Đề án 939 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 2 đề án, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện 2 đề án trong thời gian tới. |
Thực hiện 2 đề án, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12470/KH-UBND về thực hiện Đề án 939 và Kế hoạch số 12471/KH-UBND về thực hiện Đề án 938 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện 2 đề án trong từng giai đoạn. Việc triển khai thực hiện 2 đề án này luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban điều hành Đề án Trung ương và sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện đề án trong tỉnh.
Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Ban điều hành đề án Trung ương, UBND tỉnh, các ngành đã tích cực chung tay, góp sức triển khai có hiệu quả 2 đề án. Trong đó, thực hiện Đề án 938, Sở Tư pháp đã tổ chức tuyên truyền về Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị; về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các vấn đề có liên quan cho cán bộ, hội viên phụ nữ, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng các nhóm phụ nữ đặc thù như: nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nữ công dân khu vực dân cư là tín đồ tôn giáo. Sở LĐ-TBXH tập trung tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; truyền thông, giáo dục bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hội LHPN tỉnh gắn thực hiện Đề án 938 với chủ đề công tác hội hàng năm và tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến đề án...
Đối với Đề án 939, các ngành, đơn vị, trong đó Hội LHPN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ đổi mới tư duy, cách làm, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường. Qua đó, vận động phụ nữ xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Thay đổi nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ
Sau 5 năm thực hiện, các mục tiêu mà kế hoạch thực hiện 2 đề án đề ra cơ bản đều đã đạt và vượt, một số mục tiêu quan trọng đạt kết quả cao.
Thời gian tới, đối với Đề án 938, nội dung bao quát vẫn là vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em với 3 nội dung chính: phòng chống bạo lực, an toàn vệ sinh thực phẩm và giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đối với Đề án 939, UBND tỉnh kỳ vọng sẽ khơi dậy mạnh mẽ phong trào phụ nữ khởi nghiệp để phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên. |
Nổi bật trong Đề án 938 có chỉ tiêu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (vượt 42% so với chỉ tiêu đặt ra).
Trong Đề án 939, chỉ tiêu đã hỗ trợ thành lập 45 mô hình kinh tế tập thể, HTX và tổ liên kết sản xuất do phụ nữ quản lý hiện đã vượt 125% so với chỉ tiêu đặt ra; chỉ tiêu hỗ trợ trên 2,4 ngàn phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số tiền trên 77 tỷ đồng hiện đã vượt 590% so với chỉ tiêu đặt ra.
Theo đánh giá của bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh, qua thực hiện 2 đề án đã giúp Hội LHPN các cấp thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ phụ nữ, góp phần vào việc hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Nhiều mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ được thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả tác động trực tiếp đến việc thay đổi nhận thức của phụ nữ, gia đình, các cấp, các ngành trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ tại địa phương, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.
Chia sẻ về kết quả thực hiện Đề án 939, bà Phạm Thị Duyên, Phó chủ tịch Hội LHPN H.Thống Nhất cho hay, sau 5 năm triển khai đề án, nhận thức của hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện và khởi nghiệp có chuyển biến tích cực. Hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, mạnh dạn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do tổ chức Hội cấp trên tổ chức, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí của chương trình Mỗi xã một sản phẩm góp phần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Nga Sơn