Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho trung tâm chính trị cấp huyện

07:03, 06/03/2023

Theo Quy định 208-QĐ/TW ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện thì đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện; biên chế từ 4-6 người…

Theo Quy định 208-QĐ/TW ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện thì đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện; biên chế từ 4-6 người…

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đơn vị chúc mừng thí sinh tham dự Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi của tỉnh năm 2022. Ảnh: P.HẰNG
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đơn vị chúc mừng thí sinh tham dự Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi của tỉnh năm 2022. Ảnh: P.HẰNG

Quá trình thực hiện quy định này đã gây những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của TTCT cấp huyện.

Những bất cập từ quy định

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang cho biết, hiện nay chỉ có 2/11 TTCT cấp huyện là TP.Biên Hòa và H.Long Thành bố trí được 4 biên chế; các trung tâm còn lại chỉ có 2-3 biên chế; thậm chí có trung tâm chưa có phó giám đốc, chỉ có 1 giảng viên kiêm giáo vụ và 1 kế toán. Do không bố trí đủ biên chế cho các TTCT cấp huyện theo quy định nên đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chủ yếu là kiêm nhiệm, thỉnh giảng, việc giảng dạy ở các trung tâm có lúc bị động do phải phụ thuộc vào lịch công tác của cơ quan, đơn vị - nơi làm việc của giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng.

Giảng viên chuyên trách TTCT TP.Biên Hòa BÙI THỊ HẢI YẾN chia sẻ, dẫu quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện đang có những bất cập, nhưng những ai đã chọn nghề này thì khó khăn nào cũng phải vượt qua. Nay được sự quan tâm của tỉnh, tiếp thêm động lực để đội ngũ cán bộ, giảng viên TTCT cấp huyện yên tâm gắn bó với nghề.

Một bất cập khác, Quy định 208-QĐ/TW quy định TTCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp nên đội ngũ cán bộ của trung tâm là viên chức, cán bộ của TTCT cấp huyện không được hưởng 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp công tác Đảng, trong khi TTCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp nhưng không có nguồn thu nào khác ngoài ngân sách nhà nước cấp 100% cho các hoạt động của trung tâm. Do đó, so với các cơ quan đơn vị khác của huyện, thu nhập của cán bộ TTCT thấp hơn rất nhiều.

Ngoài những bất cập trên, kinh phí khoán chi hoạt động thường xuyên của TTCT cấp huyện rất thấp. Chẳng hạn, kinh phí hoạt động cho một TTCT cấp huyện có 3 biên chế, được cấp 122 triệu đồng/năm thì tiền lương trả lao động hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP đã hết hơn 69 triệu đồng; tiền trả cho hợp đồng thời vụ, tạp vụ hết 36 triệu đồng; kinh phí hoạt động còn lại của trung tâm hơn 16 triệu đồng. Với kinh phí còn lại như thế khó đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị như sửa chữa máy móc, mua sắm văn phòng phẩm, phôi bằng, báo, tạp chí, internet, đồ dùng trong cơ quan...

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc TTCT H.Vĩnh Cửu Trịnh Thị Ngọc Nga, hiện ở TTCT H.Vĩnh Cửu chỉ có 2 biên chế: 1 giảng viên chuyên trách kiêm giáo vụ và 1 kế toán. Quy định 208-QĐ/TW của Trung ương quy định giám đốc TTCT cấp huyện do trưởng ban tuyên giáo cấp huyện kiêm nhiệm, do vậy bắt buộc phải có phó giám đốc. Nhưng TTCT H.Vĩnh Cửu chưa có phó giám đốc vì Trung ương quy định phó giám đốc TTCT cấp huyện phải là chuyên viên chính mà phó giám đốc TTCT cấp huyện tương đương phó ban Đảng, trong khi phó ban Đảng chỉ yêu cầu là chuyên viên. Do đó, huyện chưa tìm được nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện cho chức vụ phó giám đốc TTCT huyện.

Cần chính sách hợp lý

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Thị Cát Hoa cho rằng, để làm một giảng viên bước lên bục giảng ở TTCT khó hơn rất nhiều so với nhiệm vụ của một chuyên viên ban Đảng huyện. Song, chuyên viên các ban Đảng cấp huyện được hưởng 55% phụ cấp công vụ và phụ cấp khối Đảng; còn cán bộ, giảng viên của TTCT không được hưởng các phụ cấp này, trong khi TTCT cũng giống như các ban Đảng đều trực thuộc cấp ủy cấp huyện.

 “Là một người trong nghề giảng dạy, tôi đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số chế độ chính sách cho phù hợp với đội ngũ cán bộ, giảng viên TTCT cấp huyện. TTCT cấp huyện có nhiệm vụ quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Đảng ta đã xác định cán bộ là then chốt của then chốt nhưng những người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên lại chưa thực sự được quan tâm. Do đó phải có chế độ chính sách để giữ được người tâm huyết với công tác giảng dạy ở TTCT cấp huyện” - bà Lê Thị Cát Hoa bộc bạch.

Mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số đơn vị của tỉnh để tìm giải pháp cho hoạt động của TTCT cấp huyện. Đồng chí ghi nhận, các TTCT cấp huyện đã rất cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Dù biên chế của mỗi trung tâm chỉ từ 2-4 người nhưng trong năm 2022, các TTCT cấp huyện đã mở được 468 lớp, với hơn 53,2 ngàn học viên (bình quân mỗi trung tâm mở được hơn 40 lớp/năm với 4.500 lượt học viên theo học). Đồng chí đã giao nhiệm vụ cho một số cơ quan của tỉnh rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của từng TTCT cấp huyện. Từ đó xem xét mức độ quan tâm của cấp ủy cấp huyện đối với TTCT, đồng thời đề xuất có cần thiết phải xây dựng mô hình chuẩn của TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh hay không, vì Quy định 208-QĐ/TW quy định mỗi trung tâm từ 4-6 biên chế, nhưng trên địa bàn tỉnh có nơi bố trí được 4 biên chế, nơi chỉ có 2 biên chế.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nêu rõ, cán bộ của TTCT cấp huyện không được hưởng 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp công tác Đảng là do quy định của Trung ương, tuy nhiên tỉnh sẽ nghiên cứu để sớm có thể hỗ trợ chế độ cho cán bộ, giảng viên TTCT cấp huyện từ nguồn quỹ dự trữ của tỉnh nhằm động viên tinh thần cho đội ngũ này.

Phương Hằng

Tin xem nhiều