Cùng với đóng kinh phí vào các loại quỹ trợ giúp người nghèo do hội, đoàn thể các cấp phát động, tùy theo khả năng mà từng cá nhân, nhóm dân cư còn chủ động thực hiện hoạt động trợ giúp trực tiếp tại cộng đồng.
Cùng với đóng kinh phí vào các loại quỹ trợ giúp người nghèo do hội, đoàn thể các cấp phát động, tùy theo khả năng mà từng cá nhân, nhóm dân cư còn chủ động thực hiện hoạt động trợ giúp trực tiếp tại cộng đồng.
Thành viên Nhóm thiện nguyện Việt - Nhật cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao thức ăn đến từng khoa để phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh: S.Thao |
Để có thể giúp người kém may mắn bằng nguồn lực tại chỗ và tức thời, nhiều cá nhân, gia đình chọn cách tự tiết kiệm trong sinh hoạt, trích một phần thu nhập để giúp người.
* Tự tiết kiệm để lo bữa ăn cho người nghèo
Hàng năm, ông Phan Thành Tâm (hội viên Hội Nông dân xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) cùng gia đình đều trích một phần tiền tiết kiệm để giúp 20 học sinh, mỗi em 500 ngàn đồng/năm học và 3 gia đình hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp 500 ngàn đồng/tháng.
Để kết nối những tấm lòng thành giúp đỡ người nghèo, nhiều năm qua, bà Kiều Thị Mai Hiền (ngụ xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) đã xây dựng và duy trì mô hình Hũ gạo tình thương. Thông qua mô hình này, mỗi lần nấu cơm, 12 gia đình trong tổ 1, ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ tiết kiệm một phần nhỏ hay thay số gạo gia đình dự kiến tiết kiệm thành tiền. Mỗi năm, có gần 200kg gạo được cộng dồn để trao cho hoàn cảnh kém may mắn trong ấp. “Tôi nghĩ ai đứng trước hoàn cảnh kém may mắn cũng động lòng. Song có những người dù muốn giúp nhưng hoàn cảnh gia đình không thuận lợi để làm và chỉ có thể giúp một phần quá nhỏ nên bà con ngại. Từ đó, ý tưởng về một sự kết nối nho nhỏ giữa những người dân trong khu dân cư ra đời và duy trì đều đặn” - bà Hiền nói.
Đặc biệt, thời gian qua, Nhóm thiện nguyện Việt - Nhật (TP.Biên Hòa) đã có nhiều hoạt động trợ giúp suất ăn cho người hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ở các bệnh viện. Theo bà Thanh Hiếu, trưởng nhóm, với mong muốn giúp đỡ những người kém may mắn, các thành viên trong nhóm đã tự tiết kiệm để xây dựng nên nhiều hoạt động thiện nguyện, một trong số này là góp phần lo bữa ăn cho những trường hợp cần trợ giúp. Từ đó, đều đặn 2 lần/tháng, nhóm hỗ trợ nấu 1 ngàn phần ăn để phục vụ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.
* Chăm lo sức khỏe và đám tang cho người dân
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Trảng Bom Trần Thị Quỳnh, thông qua mô hình mua và tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm có hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế được trao cho người dân. Như thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023, đã có 370 thẻ bảo hiểm y tế trị giá 261 triệu đồng được các cá nhân, tập thể mua để tặng cho người dân, góp phần tạo thuận lợi cho người dân chăm sóc sức khỏe.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp người dân tại cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội, như năm 2022 có 700 tỷ đồng, năm 2021 có trên 320 tỷ đồng... |
Còn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) Huỳnh Hữu Hạnh cho biết, 15 năm qua, Đội mai trợ táng thuộc Hội Chữ thập đỏ xã đã chủ động trợ giúp khi người dân cần thông qua nhiều hình thức như: hỗ trợ quan tài, lương thực thực phẩm cho gia đình có người thân qua đời. Nếu hoàn cảnh gia đình nào quá khó khăn, thành viên Đội mai trợ táng đứng ra vận động hoặc tự góp tiền để giúp thêm. Số tiền sau khi vận động được đều được thông báo rộng rãi và chuyển tất cả đến gia đình cần giúp đỡ. Qua đó, mỗi năm có 2-4 trường hợp đã nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình này.
Tương tự, mỗi năm, Đội Thanh niên tình nguyện xã Suối Cát (H.Xuân Lộc) hỗ trợ mai táng phí cho từ 10-15 trường hợp. Như mới đây, anh N.V.L. qua đời do bệnh mà hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên việc lo đám tang trở nên khó khăn. Đội đã đóng góp và kêu gọi được 17 triệu đồng để lo đám tang cho trường hợp này.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Thị Liên, từ sự đồng thuận của nhân dân, ban công tác Mặt trận các ấp thực hiện đóng góp tiền hỗ trợ mai táng theo hình thức tự nguyện đóng góp 10 ngàn đồng/hộ/năm. Từ số tiền này, mỗi khi gia đình nào có việc tang, ban công tác Mặt trận ấp đến phúng viếng chia buồn. Hộ nào quá khó khăn, neo đơn, ban công tác Mặt trận ấp tiếp tục vận động thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ lo ma chay cho người đã khuất.
Tương tự, theo ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thái Hòa (xã Phú Túc, H.Định Quán), quy ước của ấp là mỗi hộ đóng góp 10 ngàn đồng khi trong ấp có người không may qua đời. Đây là số tiền ban ấp tiếp nhận để hỗ trợ ngay cho gia đình có người mất, nhất là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn để lo hậu sự. Sau đó, bà con lối xóm tiếp tục đến thăm hỏi, phúng viếng theo phong tục. Điều này góp phần xây dựng nên tình làng nghĩa xóm từ việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Sông Thao