Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), việc thực hiện những mục tiêu đột phá đã được xác định đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp mới quyết liệt hơn để hoàn thành.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), việc thực hiện những mục tiêu đột phá đã được xác định đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp mới quyết liệt hơn để hoàn thành.
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm sắp được đưa vào vận hành. Ảnh: Ngô Phước Tuấn |
Tại hội nghị nghe báo cáo về tình hình triển khai các kế hoạch đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị Ban Cán sự UBND tỉnh sớm hoàn thành báo cáo về giải pháp quyết liệt hơn trình Ban TVTU cho ý kiến triển khai.
* Nhiều khó khăn, khó đột phá
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra 4 nhiệm vụ đột phá cho nhiệm kỳ 2020-2025, gồm: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy tính nêu gương, tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Huy động quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; Phát triển ứng dụng khoa học công nghệ
(KH-CN) gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại có lợi thế mà trọng tâm là dịch vụ du lịch, logistics.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Phải đề ra những giải pháp cụ thể để mang lại hiệu quả mạnh mẽ hơn Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải hoàn thành báo cáo trình Ban TVTU về giải pháp thực hiện 3/4 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, giải pháp thực hiện nhiệm vụ đột phá còn lại do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo. Trong báo cáo cần đề ra những giải pháp cụ thể để mang lại hiệu quả mạnh mẽ hơn. |
Đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng, theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai 10 lĩnh vực kết cấu hạ tầng, chủ yếu là giao thông trọng điểm, giao thông kết nối. Cùng với đó là các dự án hạ tầng của tỉnh. Những lĩnh vực này đều đang chậm so với tiến độ, chủ yếu là vướng bồi thường thu hồi đất và tái định cư.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, nguồn vốn thực hiện trong 2 năm 2021 và 2022, gồm cả nguồn vốn của tỉnh và trung ương chỉ thực hiện được 10% trong tổng số vốn trên 222 ngàn tỷ đồng. Việc giải ngân thấp chủ yếu là do trong giai đoạn này mới chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Để đẩy nhanh tiến độ, thời gian tới phải khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, nhất là khâu áp giá bồi thường, quản lý các dự án tái định cư…
Đối với các dự án của tỉnh, tỉnh đã cam kết với Trung ương bố trí khoảng 45 ngàn tỷ đồng từ nguồn đấu giá đất, nhưng khả năng cân đối đến nay mới chỉ được trên 8 ngàn tỷ đồng, còn khoảng 37 ngàn tỷ đồng đang có kế hoạch bổ sung danh mục đấu giá đất bổ sung vào nguồn đầu tư. Tuy nhiên, việc đấu giá đất thời gian tới có thể khó khăn do thị trường bất động sản đang ảm đạm.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý cũng như khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế Đồng Nai còn hạn chế. Việc quản lý điều hành dự án cũng còn nhiều hạn chế từ việc chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, giám sát dự án, đây chính là nguyên nhân khiến dự án nào cũng gặp khó khăn, chậm trễ.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, nếu không khắc phục triệt để những tồn tại nói trên thì rất khó để các dự án đầu tư hạ tầng đảm bảo đúng tiến độ.
* Cần giải pháp quyết liệt
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, nói chậm tiến độ các dự án do nguồn lực đầu tư hạn chế, dẫn đến khó khăn là chưa hợp lý, bởi vốn năm nào cũng tồn, được bố trí nhưng không giải ngân được. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, không phải thiếu vốn mà chính là năng lực giải ngân vốn và khả năng sẵn sàng hành động. Việc vốn phải nằm chờ các dự án, kể cả vốn đầu tư công là một lãng phí nguồn lực và mất đi cơ hội rất lớn.
Liên quan đến năng lực quản lý các dự án đầu tư hạ tầng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, phải xem lại năng lực của đội ngũ cán bộ về trình độ, tiến độ triển khai thực hiện dự án, những vướng mắc trong quá trình triển khai có tháo gỡ tốt hay chưa? Nếu cứ lúng túng thì không thể thực hiện được. Đơn cử như chậm giải phóng mặt bằng dự án, nguyên nhân chính là không làm tốt công tác tái định cư, do đó khâu hoàn thành các khu tái định cư phải tháo gỡ để thúc đẩy giải phóng mặt bằng.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Bí thư 11 địa phương phải trả lời cho được câu hỏi có đủ đất tái định cư không, thiếu bao nhiêu diện tích cho 3 năm tới, có quy hoạch chưa, nếu chưa thì không thể triển khai các dự án, trong khi tiền thì vẫn nằm đó. UBND tỉnh và các huyện phải rà soát lại đội ngũ cán bộ ban quản lý các dự án, xem đã chọn đúng người chưa, có đủ năng lực không, vì sao triển khai dự án nào cũng chậm?”.
Liên quan đến lĩnh vực KH-CN, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, trong năm 2021 và 2022, lĩnh vực nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, tăng trên 150% đối với danh mục đặt hàng. Các danh mục đặt hàng nghiên cứu chiếm trên 50% là lĩnh vực nông nghiệp và nhân văn. Việc đặt hàng nghiên cứu khoa học cho tỉnh đến nay vẫn đang khó khăn. Chẳng hạn Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh và một số hội thành viên được Sở KH-CN đặt hàng nghiên cứu nhưng không nhận được đề xuất nào. Ngay cả những đề tài của Tỉnh ủy về nghiên cứu thu hút nguồn nhân lực trẻ cho tỉnh cũng không nhận được đặt hàng nghiên cứu.
Là một trong những lĩnh vực được xác định là đột phá, nhưng theo nhận xét của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, lĩnh vực KH-CN còn phải nỗ lực nhiều hơn. Ngành phải chứng minh bằng sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao, nếu không thì coi như Giám đốc Sở KH-CN không hoàn thành nhiệm vụ. Phải nỗ lực tạo ra ngành KH-CN hiện đại để thúc đẩy sự phát triển, sự sáng tạo và trí tuệ của tỉnh, còn nếu như không có sản phẩm nào thì coi như là thất bại.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan: Nhiều dự án du lịch đang vướng thủ tục đất đai
Ngành VH-TTDL đã có nhiều nỗ lực đưa ra các sản phẩm du lịch mới. Toàn tỉnh đang có 34 dự án du lịch có hướng đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án du lịch lớn đang bị vướng thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư, có dự án đang hoạt động nhưng thực chất thì thủ tục đất đai chưa xong. Chẳng hạn như dự án du lịch đường sông muốn triển khai lại vướng quy hoạch về bến bãi, do đó muốn phát triển được du lịch đường sông thì việc quy hoạch về đất đai phải hoàn thiện.
Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng: Cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện e dè, đùn đẩy và sợ trách nhiệm. Do đó, Ban TVTU cần sớm ban hành một nghị quyết về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt về quy hoạch đất đai để tránh tình trạng địa phương tiếp đón nhà đầu tư nhưng khi kiểm tra thì quy hoạch đất theo mục đích của nhà đầu tư muốn lại chưa có, dẫn đến nhà đầu tư đến rồi lại bỏ đi.
Công Nghĩa