Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là nội dung được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là nội dung được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) và lãnh đạo các đơn vị của tỉnh, TP.Biên Hòa chúc mừng nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba (thứ ba từ phải sang) nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2-2023. Ảnh: P.HẰNG |
Tiếp nối chủ trương quan trọng này, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (từ đây gọi là Nghị quyết 28). Việc quy định cụ thể đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong bối cảnh hiện nay là nội dung quan trọng giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền
Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”. Một trong những nội dung nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”. Như vậy, tới Đại hội XIII của Đảng, đã xuất hiện một khái niệm mới: phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Điều lệ Đảng được Đại hội X của Đảng thông qua cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”. Vì vậy, không phải chỉ đến khi xuất hiện khái niệm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới quan tâm đến việc thực hiện vai trò cầm quyền của Đảng, nhưng rõ ràng khi xác lập rõ vai trò này sẽ giúp Đảng xác định rõ hơn, cụ thể hơn các nhiệm vụ, giải pháp.
Hiểu một cách thông dụng nhất thì lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện, còn cầm quyền là nắm giữ chính quyền. Khác với nhiều chính đảng ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chức năng lãnh đạo trước khi cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 và từ đó đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành được chính quyền năm 1945. Như vậy, phải sau 15 năm ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam mới chính thức trở thành đảng cầm quyền.
Như vậy, trước khi có chính quyền, phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là thông qua các tổ chức Đảng và đảng viên để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Khi có chính quyền, với công cụ mạnh mẽ của chính quyền, của cả hệ thống chính trị mà Đảng lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua các cơ quan Nhà nước, đảng viên của Đảng trong các cơ quan nhà nước để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong phương thức cầm quyền, ngoài cách thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục như trước đây, Đảng lãnh đạo chính quyền thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật và tổ chức nhân dân thực hiện.
Luôn luôn tự đổi mới mình
Sinh thời, V.I.Lênin đã cảnh báo các nguy cơ của đảng cầm quyền, trong đó có nguy cơ sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời nhân dân.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những nguy cơ đối với đảng cầm quyền. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng vào tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng mắc phải như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Cũng trong thư này, Người đã nghiêm khắc cảnh báo: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Đảng là một thực thể sống, do đó không thể không có sai lầm, vấn đề là Đảng đã dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa những sai lầm ấy. Nhìn lại lịch sử 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và người sáng lập Đảng: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã luôn tự vượt lên chính mình, khắc phục những sai lầm, đổi mới để phát triển. Một trong những dấu mốc đánh dấu rõ nét nhất chính là đổi mới đất nước được thông qua tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986).
Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cương lĩnh ghi rõ Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đại hội XIII của Đảng xác định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát... Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) thăm dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam trong dip làm việc với Chi bộ công ty về hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài |
Trên các cơ sở này, Nghị quyết số 28 đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là: (1) Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; (2) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; (3) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; (4) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; (5) Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; (6) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Đảng Cộng sản Việt Nam có gần 5,5 triệu đảng viên, đó là một tổ chức vô cùng lớn và đông đảo. Vì vậy, người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình bằng việc khi là đảng cầm quyền, chính sách, pháp luật của Nhà nước có đáp ứng được nhu cầu, lợi ích chính đảng của nhân dân và đội ngũ đảng viên của Đảng, nhất là các đảng viên giữ các trọng trách trong các cơ quan nhà nước có thật sự gương mẫu hay không. Đó chính là thước đo lòng dân đối với Đảng và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
TS Vũ Trung Kiên
TS VŨ THỊ NGHĨA, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai:
Đổi mới công tác cán bộ là giải pháp then chốt
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, việc đổi mới công tác cán bộ vẫn là giải pháp then chốt góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Để thực hiện tốt giải pháp này, tôi nghĩ Đảng phải tiến hành đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu của quy trình công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng, bố trí, sắp xếp, đề bạt và chính sách cán bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác đánh giá cán bộ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân NGUYỄN VĂN LÂN (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa):
Tăng cường bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên
Theo tôi, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cần tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên. Việc bồi dưỡng không chỉ diễn ra ở trường, trung tâm mà cần phải được tiến hành ngay trong các cuộc họp chi bộ định kỳ bằng việc cập nhật tình hình thời sự, định hướng về mặt tư tưởng… Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức được điều này và tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Cẩm Tú (ghi)