Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò tổ chức Đảng về phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên

03:12, 21/12/2022

Việc phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là của tổ chức Đảng, mà trực tiếp là từng chi bộ. Chi bộ làm tốt công tác quản lý đảng viên góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; ngược lại, sẽ làm cho nguyên tắc của Đảng thực hiện không nghiêm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng bị giảm sút, giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Việc phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là của tổ chức Đảng, mà trực tiếp là từng chi bộ. Chi bộ làm tốt công tác quản lý đảng viên góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; ngược lại, sẽ làm cho nguyên tắc của Đảng thực hiện không nghiêm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng bị giảm sút, giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại một hội thảo do Đồng Nai tổ chức
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại một hội thảo do Đồng Nai tổ chức

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền, đặc biệt đối với một Đảng duy nhất cầm quyền như Đảng ta. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Phải đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra

 Thưa ông, Đảng ta đã nhận thức, nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên như thế nào?

- Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Đảng ta đã chỉ ra một số biểu hiện cụ thể của sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên như: quan liêu, tham ô, lãng phí, hủ hóa, địa vị, công thần… Để đấu tranh với những biểu hiện này, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có xu hướng ngày càng phát triển, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

 Theo ông, việc phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên thời gian qua đã đạt kết quả nổi bật gì?

Ông NGUYỄN ĐỨC HÀ cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương chỉ ra một hệ thống khá đầy đủ, cụ thể, toàn diện về sự suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc Trung ương chỉ ra một hệ thống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như một “tấm gương” để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” và giúp đỡ đồng chí khác cùng tiến bộ; đồng thời, làm căn cứ để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

- Nhìn lại công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, mang tính đột phá, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia và đánh giá cao.

Chỉ tính riêng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 25 ngàn đảng viên; trong đó có cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 60% suy thoái về đạo đức, lối sống; 33% suy thoái về tư tưởng chính trị và gần 7% có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội đã được thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Đảng đã kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các chủ trương, quan điểm, nguyên tắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thành các nghị quyết, kết luận, quy định, quy chế, quy trình để làm sáng tỏ một số vấn đề thực tiễn phát sinh; ban hành nhiều quy định mới về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, bất cập trên các lĩnh vực, nhất là công tác tổ chức cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về kiểm soát quyền lực…

Công tác cán bộ là quan trọng nhất

 Theo ông, cần làm gì để tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên?

- Theo tôi, mỗi cán bộ, đảng viên đề cao ý thức và trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu, nắm vững, kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn Việt Nam. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục tình trạng nể nang né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý; kịp thời phát hiện và kiên quyết ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ chi bộ cơ sở. Chú trọng đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Ở đâu mà người đứng đầu không “chuẩn chỉnh” thì ở đó có chuyện nọ, chuyện kia.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cán bộ ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân, thực hiện “đúng vai, thuộc bài”, làm tốt các nhiệm vụ được giao.

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả. Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát có tiến bộ, nhiều chuyển biến nhưng nghiêm túc nhìn nhận, phần lớn các vụ việc bị xử lý vừa qua đã xảy ra từ lâu nay mới phát hiện, xử lý. Điều này nói lên công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

 Ông có nhận xét gì về công tác phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên ở Đồng Nai?

- Thời gian qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của tỉnh. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Đồng Nai vừa trải qua “cơn bão”, quả thật là sự đau xót. Sự đau xót ấy đã đặt ra cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm, đó là làm sao để lựa chọn cán bộ cho đúng.

Trung ương Đảng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt quan tâm và dành nhiều công sức nghiên cứu, ban hành các quy định, quy chế về công tác cán bộ với mục tiêu là kiên quyết không để cán bộ không xứng đáng vào cấp ủy các cấp. Song thực tế, chỉ 2 năm sau Đại hội XIII của Đảng, đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị khai trừ Đảng, cách chức, cho thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng, bằng cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Điều này cho thấy, công tác cán bộ rất phức tạp, mặc dù đã thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người.

Những nơi có “cơn bão” đi qua, không có cách nào khác là phải đứng lên, vì đây là sự nghiệp cách mạng của Đảng nên không ai được chùn bước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, tránh nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Hằng (thực hiện)

Tin xem nhiều