An ninh của một quốc gia là an ninh toàn diện, bao gồm an ninh truyền thống (ANTT) và an ninh phi truyền thống (ANPTT).
An ninh của một quốc gia là an ninh toàn diện, bao gồm an ninh truyền thống (ANTT) và an ninh phi truyền thống (ANPTT).
Ban TVTU bồi dưỡng kiến thức về quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Ảnh: P.HẰNG |
Theo trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện ANPTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, ANTT là sự ổn định, phát triển bền vững của một chế độ xã hội và độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia có liên quan đến các yếu tố bạo lực quân sự đe dọa quốc gia, dân tộc. Còn ANPTT là một loại hình an ninh mới do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi quốc gia, cả khu vực và cả toàn cầu.
Nhận diện rõ vấn đề
Về bản chất, ANPTT là trạng thái xã hội có trật tự, kỷ cương, mọi người dân sống yên ổn và không bị đe dọa, uy hiếp bởi các nhân tố có quy mô toàn cầu, khu vực. ANPTT liên quan đến các yếu tố bạo lực phi quân sự đe dọa quốc gia, dân tộc. ANPTT là sự nối dài của ANTT.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN cho rằng, ANPTT hiện nay không còn là nguy cơ mà là mối đe dọa trực tiếp hàng ngày đối với cuộc sống của mỗi con người và an ninh quốc gia. Ứng phó với ANPTT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân với những biện pháp đồng bộ, qua đó khắc phục, giải quyết triệt để từ gốc các vấn đề phát sinh, góp phần hiệu quả vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa ANPTT”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa ANTT và ANPTT”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa ANPTT”.
Tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức năm 2022 dành cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh mới đây, các giảng viên của Viện ANPTT cho biết, biểu hiện rõ nhất của ANPTT thời gian qua là đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân Việt Nam và gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước.
ANPTT đang ngày càng thể hiện rõ nét và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực: kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Các nguy cơ, mối đe dọa ANPTT đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi hơn đối với cuộc sống con người, thách thức sự phát triển bền vững của đất nước. Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt ANPTT có yếu tố bạo lực cao (như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, các mối đe dọa đến tình trạng khẩn cấp) và ANPTT có yếu tố bạo lực thấp (như an ninh tài chính tiền tệ, năng lượng, lương thực, môi trường, y tế…).
Những thách thức của ANPTT không được giải quyết, ứng xử, ngăn ngừa và ngăn chặn thì tất yếu sẽ chuyển hóa thành ANTT, khi ấy chúng tác động trực tiếp đến sự ổn định, vững mạnh của một nhà nước, một chế độ xã hội, sự phát triển của một quốc gia, sự độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Chủ động xử lý các vấn đề phát sinh
Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, Đồng Nai được coi là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Đồng Nai cùng với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên khu vực phát triển sôi động, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi nói trên, Đồng Nai đang đối mặt với nhiều thách thức. Dưới góc độ quản trị an ninh và quản trị ANPTT, thời gian tới Đồng Nai tiếp tục chú ý phòng ngừa các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người. Chú ý mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp (DN). Giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo, dân tộc…
Để phân tích cụ thể các vấn đề trên, trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm dẫn chứng, 6 tháng đầu năm 2022 ở Đồng Nai xảy ra 17 vụ ngừng việc tập thể ở các DN với hơn 34 ngàn người lao động tham gia, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù các vụ ngừng việc tập thể không quá phức tạp và được tổ chức Công đoàn cùng các ngành chức năng có mặt kịp thời, nắm bắt tình hình và vận động người lao động trở lại làm việc bình thường; đồng thời làm việc với lãnh đạo các DN giải quyết những bức xúc, chế độ của người lao động theo đúng quy định pháp luật, song đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và việc làm của người lao động, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự.
Đối với vấn đề tôn giáo, dân tộc, Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ dân số theo các tôn giáo nhiều nhất cả nước và hiện có 51 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai luôn quan tâm và thực hiện khá tốt công tác tôn giáo, dân tộc nhưng với đặc điểm dân cư và dân số của tỉnh như hiện nay, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi kẽ hở, lợi dụng những hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở các địa phương để xuyên tạc, kích động.
Tín dụng đen, cho vay nặng lãi ngày càng phát triển với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phát sinh những loại tội phạm như: siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng… Đặc biệt, nạn “tín dụng đen” trong công nhân các khu công nghiệp ngày càng xảy ra nhiều biến tướng, khủng bố tinh thần, gây áp lực lên lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người thân của người vay tiền để hòng đòi tiền, rất phức tạp.
Đồng Nai còn đang đứng trước những thách thức về tội phạm kinh tế; các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường; an ninh mạng… Thời gian gần đây, kẻ xấu tập trung lợi dụng những vụ việc nổi cộm có dấu hiệu sai phạm, chủ yếu là tình trạng buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến xây dựng trái phép, không phép để tìm cách khoét sâu, gieo rắc thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.
Phương Hằng