Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) - tiền thân Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân ngày nay. Đoàn có nhiệm vụ vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) - tiền thân Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân ngày nay. Đoàn có nhiệm vụ vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Nhà truyền thống Lữ đoàn 125 - nơi giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ đơn vị. Ảnh: N.Hà |
Sự ra đời của Đoàn 759 cùng việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển là sự kiện đánh dấu mốc mở ra tuyến đường chi viện trên biển mang tên Bác Hồ kính yêu; đồng thời, ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 - Lữ đoàn 125 ngày nay. Quyết định sáng suốt này thể hiện tầm nhìn chiến lược, kỳ tích lịch sử trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và là bài học quý trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Kỳ tích và huyền thoại
Cùng các cựu chiến binh của Đoàn tàu không số năm xưa dâng hương đài tưởng niệm các liệt sĩ tại Lữ đoàn 125 trước hành trình về nguồn mới đây, cựu chiến binh Sáu Đức (Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Văn Đức), nguyên thuyền phó tàu 43 Đoàn tàu không số làm nhiệm vụ vận tải vũ khí quân trang vào miền Nam kể lại, ngày 27-2-1968, cùng với 3 con tàu khác, tàu 43 chở 38 tấn vũ khí vào bến C.45 Mỹ Á (TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Để tránh sự theo dõi của địch, cả 4 tàu xuất phát thời điểm khác nhau nhưng lại phải cập bến tàu cùng một lúc.
Theo dự kiến ban đầu, 4 tàu cùng cập các bến: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau trong khoảng 5 ngày, 6 đêm. Nhưng do sự theo dõi gắt gao của địch và sóng to, gió lớn nên tàu phải lênh đênh 11 ngày trên biển.
Đồng chí NGUYỄN VĂN PHIẾM, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 125 cho biết, tuổi trẻ Lữ đoàn đang triển khai phong trào Thanh niên Lữ đoàn 125 thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng; thực hiện mô hình chi đoàn “4 tốt, 1 nghiêm” (học tập tốt, rèn luyện tốt, công tác tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm). Qua đó, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… |
“Khi qua vĩ tuyến 17, vệ tinh Mỹ phát hiện và tàu 43 đã phải chiến đấu quyết liệt với 6 tàu địch cùng 2 trực thăng trên biển Đông. Tôi cố gắng lượn lái con tàu qua bão lửa, cuộc chiến không cân sức chỉ còn 14 chiến sĩ trên tàu kiên cường bám trụ. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu, xuống xuồng bơi vào đất liền. Nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mặt như: Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Đăng Kiểm, Võ Nho Tòng, Vũ Xuân Ruệ…” - ông Đức nghẹn ngào.
Nhiều cựu chiến binh của Đoàn tàu không số như các anh hùng LLVT nhân dân: Hồ Đắc Thạnh, Phan Nhạn… khi nhắc nhớ về 14 năm trong hành trình làm nhiệm vụ đều chung cảm xúc nhớ về đồng đội không được chứng kiến ngày đất nước độc lập.
Đại tá Nguyễn Đình Lịch, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 cho biết, theo các tài liệu và nhân chứng, 14 năm làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (1961-1965), các lực lượng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, luôn phải đấu trí, đấu lực quyết liệt trước sự truy cản gắt gao của đối phương và bão tố biển khơi. Các bác, các chú đã mưu trí, dũng cảm đưa hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị, con người chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá Nguyễn Đình Lịch khẳng định: “Hiệu suất vận tải chiến lược trên biển của Đoàn tàu không số trong điều kiện cách đây 6 thập kỷ cho thấy sự sáng tạo tuyệt vời có thể gọi là kỳ tích trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc”.
* Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
Đại tá Nguyễn Đình Lịch cho rằng, những kinh nghiệm và huyền thoại của Đoàn tàu không số trước đây thực sự trở thành bài học quý để Đảng ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị vận dụng xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các mặt. Trong đó, xây dựng, quản lý doanh trại chính quy, bảo đảm hậu cần hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị trung tâm, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn cho hay, đơn vị luôn duy trì đủ lượng vật chất, trang bị doanh trại dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo quy định và luôn sẵn sàng bảo đảm khi có lệnh hành quân (thời gian không quá 2 giờ); quân số khỏe luôn bảo đảm trên 99,7%...
Các pa-nô được quan tâm xây dựng tại đơn vị để giáo dục truyền thống hiệu quả |
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nỗ lực vào cuộc giúp dân chống dịch. Nhiều đồng chí liên tục 81 ngày đêm trong tâm dịch giúp dân như thượng úy chuyên nghiệp Đỗ Xuân Hồng với 35 chuyến vận chuyển cấp cứu bệnh nhân Covid-19; đưa 160 tử thi lo hậu sự và đưa tro cốt người xấu số về gia đình. Thượng úy Hồng là một trong 40 quân nhân chuyên nghiệp tiêu biểu vừa được Đảng ủy Vùng 2 tuyên dương. Hay trung tá Đỗ Viết Quyết, Phó hải đội trưởng Hải đội 5 có hàng chục lần vận chuyển lương thực, thuốc men hỗ trợ người dân vùng dịch…
Theo đại tá Nguyễn Đình Lịch, những kết quả của Lữ đoàn 125 đạt được có thể khẳng định, đơn vị luôn kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng của Đoàn tàu không số, tập trung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trực bảo vệ chủ quyền trên vùng biển được giao quản lý. Thường xuyên làm tốt nhiệm vụ huấn luyện để các tàu thực hiện nhiệm vụ vận tải xây dựng Trường Sa, cứu nạn, cứu hộ ngư dân trên biển, làm chỗ dựa để ngư dân vươn khơi bám biển; phối hợp tuyên truyền đến các địa phương được vùng phân công.
“Truyền thống 2 lần anh hùng của Đoàn tàu không số và Lữ đoàn 125 ngày nay đã và đang được thế hệ trẻ giữ vững, phát huy. Những hy sinh, mất mát của cha ông trên biển đã làm nên chiến công huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển cũng như trên biển đảo Tổ quốc tiếp tục tô thắm truyền thống “mưu trí dung cảm - khắc phục khó khăn - vận tải đường biển - chi viện chiến trường - quyết chiến quyết thắng” - đại tá Nguyễn Đình Lịch khẳng định.
Nguyệt Hà