Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ (Trung đội Dân quân xã Lam Hạ trước đây, tọa lạc tại P.Lam Hạ, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) được ví như một ngã ba Đồng Lộc của vùng đồng bằng Bắc bộ - biểu tượng thép của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ (Trung đội Dân quân xã Lam Hạ trước đây, tọa lạc tại P.Lam Hạ, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) được ví như một ngã ba Đồng Lộc của vùng đồng bằng Bắc bộ - biểu tượng thép của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Người dân xem những hình ảnh trưng bày tại Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ - Ảnh trái. Di ảnh và danh sách 10 nữ liệt sĩ được khắc bia, thờ cúng tại Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ - Ảnh phải |
Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam, những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lam Hạ là một trong những trọng điểm giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch qua Phủ Lý cũng như cuộc sống của người dân khu vực này, ngày 5-8-1965, Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập.
Huyền thoại và kỳ tích
Đây là đại đội dân quân phòng không đầu tiên được thành lập ở miền Bắc sau đúng 1 năm Mỹ đưa quân gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (ngày 5-8-1964). Đại đội có 87 thành viên, chia làm 2 trung đội (nam và nữ); trung đội nữ có 24 thành viên. Đại đội có nhiệm vụ: sản xuất; huấn luyện pháo thủ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; xây dựng các trận địa pháo phòng không trên địa bàn xã; vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật; tải thương, cứu chữa thương, bệnh binh…
Đại tá BÙI VĂN LƯU, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam cho biết, cùng với các di tích lịch sử trên địa bàn, Khu di tích Lam Hạ và Đền thờ liệt sĩ tỉnh Hà Nam trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh. Nhờ đó, nhiều năm nay, Hà Nam luôn hoàn thành việc giao quân có chất lượng mọi mặt. |
Chỉ một thời gian ngắn, các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm, Quỳnh Chân (P.Lam Hạ ngày nay) đã có 8 trận địa pháo phòng không bảo vệ trọng điểm Phủ Lý.
Theo sự phân công nhiệm vụ, khi bộ đội pháo chủ lực đóng quân làng nào thì dân quân làng đó đảm nhiệm nên trong các trận đánh ác liệt, dân quân Lam Hạ sẵn sàng bổ sung lực lượng hỗ trợ các trận địa phòng không và trực tiếp đánh trả không quân Mỹ.
Sau nhiều lần thất bại trước khí phách anh hùng của dân quân Lam Hạ, đế quốc Mỹ đã tập kích vào các trận địa nhằm tiêu diệt lực lượng mà trọng tâm là trận địa pháo Đình Tràng.
Ngày 1-10-1966, ngay loạt bom bi và rốc két đầu tiên của địch, đã có 10 dân quân anh dũng ngã xuống, trong đó có 6 nữ pháo thủ: Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan và Vũ Thị Thanh Phương.
Tiếp đó là các trận chiến đấu và cứu thương ở điểm lửa Đình Tràng - Đường Ấm, đã có thêm 5 nam, nữ dân quân hy sinh, trong đó có 3 nữ dân quân: Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Thị Oánh và Trần Thị Thẹp.
Gần 1 năm sau, tại trận địa Hòa Lạc trong việc đánh trả máy bay Mỹ, có thêm nữ dân quân Đặng Thị Chung hy sinh.
Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ dân quân Lam Hạ trong giai đoạn chống trả chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc tiếp tục khẳng định tinh thần thép, biểu tượng cao đẹp của những “bông hoa thép” trên dòng Châu Giang. Đồng thời là dấu son chói lọi, một địa chỉ đỏ, một huyền thoại kỳ tích trong hành trình của cuộc kháng chiến bảo vệ hậu phương miền Bắc và là niềm tự hào của quân - dân Hà Nam…
Kế thừa và tri ân
Ông Nguyễn Văn Kiên, cháu ruột của 2 nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi, tự hào nói: “Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc, không phải vì sự giàu sang vật chất mà đúng hơn từ sự mất mát đau thương. Hạnh phúc là được gắn bó với Lam Hạ - Đình Tràng; được biết mặt, thuộc tên những con người đã đi vào lịch sử của quê hương và dân tộc. Càng hạnh phúc hơn khi tôi trở về từ chiến tranh, sống đến ngày nay, chứng kiến sự đổi thay của quê hương anh hùng”.
Không chỉ ông Kiên mà những người dân P.Lam Hạ đều tự hào trước sự đổi thay của quê hương cách mạng. Với lòng thành kính tri ân, cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã kế thừa xứng đáng truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, của các liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, cùng đoàn kết chung tay xây dựng Phủ Lý và Hà Nam ngày càng khang trang, văn minh, hội nhập…
Đại tá Bùi Văn Lưu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam cho hay để có được thành quả như ngày nay, cấp ủy, chính quyền, quân và dân trong tỉnh luôn nỗ lực kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng; luôn trân trọng tri ân sự hy sinh của những người con ưu tú cùng đoàn kết, xây dựng quê hương. Riêng lực lượng vũ trang tỉnh còn thực hiện hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thường xuyên làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ gắn với các hoạt động, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương Phủ Lý - Hà Nam cho thế hệ trẻ và nhân dân.
Nguyệt Hà
(Hà Nam, tháng 8-2022)