Đồng Nai hiện có 33 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống và hơn 1,2 ngàn thương, bệnh binh nặng trong tổng số hơn 6,2 ngàn thương, bệnh binh đang được chăm sóc tận tình, chu đáo mọi mặt.
Đồng Nai hiện có 33 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống và hơn 1,2 ngàn thương, bệnh binh nặng trong tổng số hơn 6,2 ngàn thương, bệnh binh đang được chăm sóc tận tình, chu đáo mọi mặt.
Bà Lục Cẩm Chánh tận tình chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cơ (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom). Ảnh: N.HÀ |
Những người chăm sóc các mẹ VNAH, thương, bệnh binh nặng hầu hết là con, cháu hoặc người thân, họ hàng… với mong muốn để những người có công (NCC) vơi đi nỗi đau chiến tranh, vui sống ý nghĩa lúc tuổi già. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu, hiếu nghĩa với ông, bà, cha mẹ, xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng gương mẫu.
Đại tá BÙI VĂN SỸ, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Chăm sóc NCC là trách nhiệm của thế hệ hôm nay Để có hòa bình, đã biết bao người con ưu tú của dân tộc hy sinh hoặc còn mang trên mình nhiều vết thương cuộc chiến. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay phải nỗ lực chăm sóc để làm vơi đi phần nào nỗi đau do chiến tranh để lại đối với NCC, nhất là các mẹ VNAH, mẹ, vợ liệt sĩ, thương, bệnh binh nặng. Đối với lực lượng vũ trang tỉnh, chỉ trong đợt thi đua cao điểm 75 ngày đêm hành động cách mạng nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022) cho thấy, 100% đầu mối đều có các hoạt động tri ân như: thăm, tặng quà, động viên NCC. Có những đơn vị kêu gọi nhiều mạnh thường quân vận động xây dựng, bàn giao nhà tình nghĩa quân dân, nhà đồng đội vượt chỉ tiêu… |
Đến KP.4, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) hỏi thăm gia đình bà Lục Cẩm Chánh, con gái út của Mẹ VNAH Lê Thị Cơ (95 tuổi) ai cũng biết và đều thán phục với sự tận tâm, trách nhiệm của bà đối với mẹ hàng chục năm qua. Vẫn biết rằng, việc kính hiếu cha, mẹ, ông, bà của con cháu là trách nhiệm, nhưng không phải ở đâu, nơi nào điều này cũng được thực hiện tốt.
Mẹ Cơ vẫn còn nhớ rất rõ, chồng mẹ là liệt sĩ Lục Văn Đon, hy sinh năm 1965; 2 người con của mẹ là Lục Văn Quân, hy sinh năm 1966 và Lục Thị Vân hy sinh năm 1970. “Giờ mẹ chỉ chờ ngày thanh thản về với ông, mọi chuyện đã có Nhà nước và con gái Út lo hết” - bà Chánh nói.
Bà Chánh kể, dù tuổi cao nhưng khi có khách, mẹ dặn bà phải lấy cái áo lụa tím để mẹ mặc (áo lụa tím là quà tặng của một đơn vị phụng dưỡng tặng mẹ nhân dịp Tết Nguyên đán). Mẹ Cơ thích màu tím vì là màu của thủy chung, son sắt của mẹ với cách mạng, với chồng con.
Đã 66 tuổi, bà Chánh luôn tâm niệm: “Cha và các anh chị tôi đã hy sinh cho Tổ quốc, tôi chỉ còn mình mẹ nên dù bận đến đâu không thể rời mẹ, cốt để mẹ thật vui tuổi già và vơi đi phần nào nỗi đau do chiến tranh để lại”.
Mẹ VNAH Lê Thị Nở (87 tuổi) đang sống cùng con gái Nguyễn Thị Bích Ngân, ngụ xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch). Bà Ngân kể, tuy sức khỏe của mẹ khá yếu vì nhiều lần bị tai biến, đột quỵ cùng huyết áp cao nhưng mẹ nhớ rất rõ 4 liệt sĩ hiện đang thờ cúng tại gia đình mình. Đó là liệt sĩ Lê Duy Linh (cha mẹ) hy sinh tháng 9-1953 khi mẹ Nở 18 tuổi. Chỉ ít năm sau, cháu gái của mẹ là Huỳnh Thị Thế tiếp tục hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc vào năm 1963. Tiếp đến là chị gái của mẹ, liệt sĩ Lê Thị Hoàng hy sinh năm 1968. Những tưởng cuộc sống của mẹ bình yên thì năm 1987, chồng mẹ là chiến sĩ công an Nguyễn Văn Ba ra đi để lại mẹ cùng người con gái nhỏ với nhiều nỗi đau mất mát.
“Mẹ tôi bảo giờ mẹ không còn băn khoăn điều gì, các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho gia đình có công, mẹ được hưởng đầy đủ. Bằng Tổ quốc ghi công của ông ngoại, cha tôi, bác gái và anh họ đều được đưa về thờ cúng” - bà Ngân tâm sự.
Theo Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TBXH) Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện tỉnh không còn Trung tâm Nuôi dưỡng NCC, vì thế, các mẹ VNAH, mẹ, vợ liệt sĩ hoặc thương, bệnh binh nặng đều ở với gia đình con, cháu hoặc người thân chăm sóc.
“NCC đều hài lòng với cuộc sống hiện tại, vơi dần nỗi đau do chiến tranh để lại. Nhiều gia đình NCC còn nỗ lực vươn lên trở thành những điển hình tiêu biểu, được các cấp, ngành khen thưởng tôn vinh” - bà Ngân cho biết.
Nguyệt Hà