Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Tinh thần chiến thắng 30-4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam… Tinh thần chiến thắng 30-4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Một góc đô thị Biên Hòa hôm nay. Ảnh: Huy Anh |
Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng, chúng ta cũng rất đỗi tự hào về quê hương Đồng Nai, một tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, có vị trí trọng yếu ở vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
* Kiên cường đấu tranh cách mạng
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, Đồng Nai là một trong số ít địa phương có chi bộ Đảng ra đời sớm ở miền Nam - Chi bộ Bình Phước - Tân Triều (tháng 2-1935), đây là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng và nòng cốt cho việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa vào tháng 2-1937. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Biên Hòa - Đồng Nai là nơi đụng độ quyết liệt, diễn ra các cuộc đấu tranh liên tục giữa ta và địch. Những địa danh lịch sử, chiến tích như: Chiến khu Đ, Chiến khu Rừng Sác, Chiến thắng La Ngà, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, kho bom đạn Thành Tuy Hạ, Chiến thắng Xuân Lộc... gắn liền với những chiến công vang dội, là niềm tự hào của quân, dân Đồng Nai và cả nước.
Trong đó, với chiến thắng Xuân Lộc, sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí của quân và dân ta, sáng 21-4-1975, Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc toàn thắng, quân ta đã mở toang “cánh cửa thép” ở tuyến phòng thủ phía đông của địch, tạo đà cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước…
Trong ký ức của ông Đào Bá Lượng, Đội trưởng Biệt động Thị đội Long Khánh năm 1975, trước khi mở màn Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, đơn vị ông được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh vào nội ô để giải phóng Long Khánh. Sáng 9-4-1975, mở màn chiến dịch, quân ta pháo kích vào các vị trí trọng yếu của địch trong nội ô Long Khánh. Sau khoảng 30 phút, khi tiếng pháo vừa dứt, ông Lượng dẫn đường cho xe tăng, phía sau là bộ binh của Sư đoàn 7 tấn công vào Long Khánh từ hướng đông bắc. Khi quân ta đánh trực diện vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 của địch đã gặp phản kháng rất ác liệt. Những ngày sau đó, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt, tổn thất cả ta và địch tăng lên.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh trong thời gian tới rất nhiều, trong đó phải hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án Sân bay Long Thành đúng kế hoạch và sự chỉ đạo của Trung ương; tập trung xây dựng nhà ở xã hội; tăng cường chỉ đạo quản lý đất đai, xây dựng và môi trường… Do đó, từng huyện, thành phố phải có tư duy phát triển theo lợi thế so sánh từng địa phương; không phát triển theo kiểu manh mún, cái gì cũng có nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Còn ông Trần Văn Phú, chiến sĩ Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh, là người đã nghiên cứu chế tạo thành công “bệ phóng bom bay” - dùng đạn pháo lép của địch làm vũ khí đánh địch. Với vũ khí này, ông Phú đã cùng đồng đội đánh các đồn, bót của địch trong thị xã. Ông Phú cho biết, lúc bấy giờ, địch xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, còn đối với ta, xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây vô cùng ác liệt…
Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, đến sáng
21-4-1975, quân ta đã mở toang “cánh cửa thép” của địch. Thắng lợi của Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc mở ra thời cơ chiến lược cho đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ Sài Gòn (nay là TP.HCM) đến Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) không quá xa (khoảng 130km) nhưng trong chiến tranh nơi đây là “rừng thiêng nước độc”, chỉ có đường mòn đi bộ, không có đường ô tô, đi lại rất khó khăn nên thực dân Pháp, rồi Mỹ - Ngụy dù có phương tiện chiến tranh hiện đại cũng khó đổ quân xuống đánh chiếm được vùng đất này.
Chính vì vậy, sự tồn tại, phát triển của lực lượng cách mạng từ Chiến khu Đ trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của quân Pháp ở Nam bộ: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất.”
Trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, có 2 năm 1961-1962, Trung ương Cục miền Nam đứng chân ở Chiến khu Đ. Địa bàn Chiến khu Đ không chỉ là chiến trường tiêu diệt quân địch trước những cuộc hành quân tìm diệt quy mô của kẻ thù mà còn là hậu phương vững chắc cho phong trào đấu tranh cách mạng. Đây cũng là nơi tập kết các nguồn lực của cách mạng, là trạm trung chuyển sức người, sức của từ miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ Chiến khu Đ, đoàn quân giải phóng phối hợp với các mặt trận khác thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Theo ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu), ông làm giao liên cho cách mạng khi mới 12 tuổi. Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bom đạn quân thù trút như mưa xuống cánh rừng Phú Lý hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và bà con theo kháng chiến. Khó khăn, gian khổ nhưng đồng bào nơi đây vẫn bám đất, bám làng, đào củ chụp để chống đói và hỗ trợ lương thực cho bộ đội, cùng nhau theo Đảng, Bác Hồ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chờ đến ngày đất nước giành thắng lợi.
* Trí tuệ, bản lĩnh trong phát triển
Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, những vùng đất từng bị bom cày, đạn xới giờ đây đã phát triển mạnh mẽ. Trong đó, Phú Lý đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao; xã có HTX Thương mại dịch vụ Bình Minh chuyên trồng quýt theo mô hình hữu cơ, bình quân thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, xã có hàng chục HTX chuyên về cây xoài, thu nhập 500-700 triệu đồng/ha.
Các địa phương khác như Xuân Lộc, Long Khánh giờ đã là huyện đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị sầm uất nhất phía Bắc của tỉnh. Mới đây, TP.Long Khánh tổ chức công bố quy hoạch phát triển đô thị cho giai đoạn tới. Theo đó, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Long Khánh được xác định là trung tâm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ của tỉnh Đồng Nai và vùng TP.HCM. Đồng thời, là trung tâm thương mại, dịch vụ, giao thương hàng hóa, kho vận nông sản, du lịch sinh thái nông nghiệp, văn hóa lịch sử cấp vùng.
Đối với H.Xuân Lộc, đang hướng đến một trong 4 huyện nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước vào năm 2025. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đang cùng nhân dân trong tỉnh ra sức xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình…
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong quý I-2022, tình hình phát triển kinh tế của Đồng Nai có nhiều khởi sắc, khá toàn diện với nhiều tín hiệu tốt. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I-2022 đạt 6,14% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ta và cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước (cả nước tăng 5,03%). Điều này cho thấy, kinh tế của Đồng Nai đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng.
Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua đã thể hiện rõ sự kế thừa, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Từ những kết quả đó, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là thách thức từ dịch bệnh Covid-19, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh nhân dân vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển toàn diện.
Phương Hằng