Thời gian qua, một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh rất khó tuyển dụng công chức, viên chức, khiến việc thực hiện nhiệm vụ ở một số đơn vị đang gặp khó.
Thời gian qua, một số ngành, lĩnh vực trê n địa bàn tỉnh rất khó tuyển dụng công chức, viên chức, khiến việc thực hiện nhiệm vụ ở một số đơn vị đang gặp khó.
Cô và trò Trường mầm non Trảng Táo (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) trong giờ vui chơi. Ảnh: Công Nghĩa |
Nguyên nhân chính của việc khó tuyển dụng công chức, viên chức ở một số ngành do công việc nhiều nhưng lương thấp nên không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
* Lương còn thấp
Chia sẻ nguyên nhân về việc thiếu 110 giáo viên (chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học) trên địa bàn huyện, Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho hay, lương giáo viên hiện nay còn thấp. Cụ thể, một giáo viên mới vào nghề lương được khoảng 4 triệu đồng/tháng, nhưng hằng tháng sau khi trừ các khoản phí Công đoàn, bảo hiểm… thì thực lãnh chưa đầy 4 triệu đồng. Giáo viên ở huyện vùng sâu, vùng xa thu nhập chính là lương, học sinh không có điều kiện học thêm nên nhiều giáo viên sau khi tốt nghiệp sư phạm đã đi làm nghề khác.
Để phần nào khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, huyện đã phải hợp đồng lại với một số giáo viên đã nghỉ hưu và giảm số lượng lớp học 2 buổi/ngày, chuyển sang học 1 buổi/ngày để đảm bảo có giáo viên dạy học cho học sinh.
Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du chia sẻ, toàn huyện đang thiếu 99/1.863 biên chế giáo viên (chủ yếu giáo viên mầm non). Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyển giáo viên nhưng vừa qua chỉ tiếp nhận được một vài hồ sơ dự tuyển. Do còn thiếu giáo viên nên các trường học chưa bố trí đủ biên chế giáo viên/lớp học theo quy định của Nhà nước.
Cùng với ngành GD-ĐT, ngành Y tế cũng đang nan giải với bài toán thiếu nhân lực. TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2020, ngành Y tế tỉnh có 141 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 40 bác sĩ. Năm 2021, có 120 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc và từ đầu năm 2022 đến nay có 40 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. 60% số cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc trong các năm qua vì lý do kinh tế.
Đối với 170 trạm y tế tuyến xã, nói là có đủ bác sĩ nhưng thực chất đó là các bác sĩ được đưa từ các trung tâm y tế tuyến huyện về công tác tại trạm y tế tuyến xã theo diện điều động, luân chuyển. Để gỡ khó về nhân lực, Sở Y tế đang nghiên cứu, tìm giải pháp để tham mưu với tỉnh có chính sách hỗ trợ, “giữ chân”, giúp cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác.
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho hay, trên địa bàn tỉnh đang khó tuyển dụng vị trí ngạch kiểm lâm. Trong đó, đối với vị trí kiểm lâm viên trung cấp, bên cạnh tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực thì phải tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành Lâm nghiệp, đã được bồi dưỡng quản lý nhà nước và nghiệp vụ kiểm lâm theo quy định, biết sử dụng vi tính văn phòng...
* Cần chế độ chính sách phù hợp thực tế
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ chia sẻ, trước đây tỉnh đã có chính sách thu hút, hỗ trợ nhân viên y tế, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, chính sách này tạm dừng do hết hiệu lực thi hành. Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Sở Y tế đang tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp để tham mưu với tỉnh có thêm những chính sách hỗ trợ nhằm “giữ chân”, giúp cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, những năm qua, thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Đồng Nai đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo theo yêu cầu và phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Các đơn vị, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế đúng lộ trình kế hoạch của tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực GD-ĐT, y tế, LĐ-TBXH đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực.
Đồng Nai là đơn vị hành chính loại 1, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên rộng, dân số đông, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, áp lực dân số ngày càng tăng. So với năm 2015 thì đến năm 2021, dân số của tỉnh tăng thêm 300 ngàn người. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến nhu cầu sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công lập thiết yếu tăng nhanh như: giáo dục, y tế… Từ đó, đòi hỏi các ngành phải có nguồn lực để đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu cuộc sống cho người dân.
Với đặc điểm tình hình thực tế như hiện nay, tỉnh đã kiến nghị Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù trong việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính nhằm tạo cân đối, hài hòa giữa các đơn vị.
Phương Hằng