Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảng bộ huyện Thống Nhất: Phát huy lợi thế của huyện nông nghiệp để phát triển

05:03, 07/03/2022

Thống Nhất là huyện có nhiều đặc thù và lợi thế so sánh với các địa phương khác, trong đó nổi bật là diện tích đất nông nghiệp rất lớn (chiếm 83% trong tổng diện tích đất tự nhiên của huyện); nhiều tuyến giao thông huyết mạch, kết nối đi các tỉnh, thành phố và có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.

Thống Nhất là huyện có nhiều đặc thù và lợi thế so sánh với các địa phương khác, trong đó nổi bật là diện tích đất nông nghiệp rất lớn (chiếm 83% trong tổng diện tích đất tự nhiên của huyện); nhiều tuyến giao thông huyết mạch, kết nối đi các tỉnh, thành phố và có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác của tỉnh, huyện thăm hỏi một hộ gia đình chăn nuôi heo theo mô hình trang trại ở xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất). Ảnh: Huy Anh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác của tỉnh, huyện thăm hỏi một hộ gia đình chăn nuôi heo theo mô hình trang trại ở xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất). Ảnh: Huy Anh

Những năm qua, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo phát huy những lợi thế của địa phương để đem lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc cho nhân dân.

* Tập trung phát triển chăn nuôi và trồng trọt

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH chỉ đạo: “Quá trình xây dựng và phát triển của địa phương, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị thực sự có năng lực để dẫn dắt sự phát triển của địa phương. Nhân sự nào không đáp ứng yêu cầu công việc và sự phát triển của đơn vị, địa phương thì phải thay thế. Bên cạnh đó, quan tâm công tác tiếp dân để lắng nghe nhiều chiều. Những vụ việc đang tồn tại, hạn chế chưa giải quyết dứt điểm, huyện cố gắng giải quyết xong, không để xảy ra “điểm nóng”.

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, Nghị quyết đại hội Đảng bộ H.Thống Nhất lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành theo hướng an toàn nhằm giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo môi trường và nâng cao giá trị gia tăng. Để thực hiện các nhiệm vụ này, huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực và hằng năm.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tháng của năm vừa qua, Đảng bộ huyện phải tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, huyện thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Với sự nỗ lực, trách nhiệm, đoàn kết của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà nên năm 2021, huyện vẫn cơ bản thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.

Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt 3.155,4 tỷ đồng (bằng 101,7% so với cùng kỳ năm trước), giá trị bình quân/ha đạt 138,9 triệu đồng (tăng 4,6%); cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng (phát triển mạnh ở hai lĩnh vực: chăn nuôi và trồng trọt, trong đó chăn nuôi chiếm hơn 68% và trồng trọt chiếm hơn 29%).

Về chăn nuôi, toàn huyện hiện có hơn 700 trang trại (heo, gà, cút, vịt, bò, dê). Bên cạnh đó, có 82 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty. Đây là hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi, người sản xuất có thu nhập ổn định, ít bị ảnh hưởng của thị trường. Huyện chọn heo và gà là hai vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển thành hàng hóa quy mô lớn và thực hiện sản xuất theo chuỗi.

Cùng với phát triển chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng bắp và rau màu để giảm chi phí, tiết kiệm nước và nâng cao thu nhập. Lựa chọn cây rau phát triển phù hợp với tính chất thổ nhưỡng, tập quán canh tác, thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả kinh tế cao, có thị trường thuận lợi. Chỉ đạo chuyển đổi cây trồng có giá trị thấp sang loại cây trồng có giá trị cao như: chôm chôm, mít, bơ, bưởi…Duy trì 200ha điều tại vùng thiếu nước tưới và trồng tái canh kết hợp với trồng xen canh ca cao ở những diện tích điều có nước tưới (sản phẩm của 2 cây này đều có thị trường đầu tư xuất khẩu và có nhà máy chế biến).

Hiện nay diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện là 15.308,6ha (tăng 2,16% so với năm trước); trong đó diện tích chuối là hơn 3.700ha, chôm chôm hơn 3 ngàn ha và điều hơn 1.800ha. Huyện đã xây dựng kế hoạch mỗi xã một sản phẩm, nay có 4 sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện. Năm 2021 tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện thực hiện 2 khu dân cư kiểu mẫu nhưng huyện đã thực hiện được 5 khu dân cư kiểu mẫu tại các xã: Xuân Thiện, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc; đồng thời xây dựng được 1/19 tiêu chí và 20/32 chỉ tiêu của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2024.

Kinh tế phát triển ổn định, đã đóng vai trò quan trọng cho việc thu ngân sách trên địa bàn huyện. Năm 2021, tổng thu ngân sách của huyện được 258,113 tỷ đồng, bằng 131% so với dự toán. Khi ngân sách được đảm bảo, huyện có điều kiện để chăm lo an sinh xã hội. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, huyện đã tặng hơn 31.700 phần quà cho các đối tượng, trị giá hơn 15,5 tỷ đồng.

* Tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng để tạo đồng thuận trong nhận thức và có quyết tâm hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng một cách hiệu quả. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới. Năm 2021, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 155 đảng viên, đạt 103,3% so với chỉ tiêu Tỉnh ủy giao, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên gần 3 ngàn.

Vừa quan tâm phát triển đảng viên mới, công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn huyện cũng được tiến hành thường xuyên, đúng quy định. Trong năm 2021, Huyện ủy và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát 9 tổ chức Đảng và vai trò người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên và việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình chia sẻ, để phát triển H.Thống Nhất đúng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, trước tiên phải phát triển TT.Dầu Giây trở thành trung tâm của huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Huyện cũng cần phát huy thế mạnh của một huyện nông nghiệp, nên nghiên cứu xây dựng các nông trường sản xuất về chăn nuôi, trồng trọt.

Trong khi đó, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho rằng, H.Thống Nhất phải tổ chức lại mô hình chăn nuôi, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ; xây dựng hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tập trung để dễ kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, toàn huyện đã có 13 sản phẩm OCOP từ 1-3 sao, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Toàn huyện đang có 269 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn nên thời gian tới phải thúc đẩy để có nhiều sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình và sản phẩm du lịch địa phương.

Mới đây tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thống Nhất về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện từ sau đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận nhiều nỗ lực của Đảng bộ H.Thống Nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Thống Nhất là huyện có nhiều đặc thù và lợi thế so với các địa phương khác; trong đó có nhiều hướng giao thông đi các tỉnh, thành phố và huyện đã có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, huyện cần phát huy những lợi thế này để kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển hơn. Cụ thể như, cần tính toán phát triển chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây là điểm tập kết, trao đổi hàng hóa không chỉ mang tính chất vùng mà mang tính chất quốc tế khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Huyện cũng cần tiếp tục quan tâm xây dựng nông thôn mới, đích cuối cùng của việc làm này là thu nhập, đời sống nhân dân phải được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền địa phương bằng mọi cách tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thu nhập người dân của huyện hiện nay là 66 triệu đồng/năm, phải nâng mức thu nhập này của người dân lên. Các xã nên thi đua xem xã nào thu nhập người dân cao nhất, như vậy mới xứng đáng là xã nông thôn mới. Khi xây dựng cơ cấu kinh tế của huyện, chú ý đây là huyện có diện tích đất nông nghiệp rất lớn nên phải phát huy lợi thế này. Dành một số quỹ đất để chăm lo phúc lợi cho nhân dân.

Phương Hằng

Tin xem nhiều