Mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trải qua 92 năm đồng hành cùng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và thu được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Trải qua 92 năm đồng hành cùng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và thu được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao cờ cho 3 Đảng bộ đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu năm 2021. Ảnh: Huy Anh |
* Lịch sử hào hùng
Kể từ khi nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam năm 1858 đến khi thiết lập hoàn toàn nền đô hộ của mình trên lãnh thổ Đông Dương, thực dân Pháp đã gây ra bao cảnh tang tóc, điêu tàn trên đất nước Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, rất nhiều thế hệ người Việt Nam đã quyết thà chết không chịu làm nô lệ. Đã có biết bao cuộc khởi nghĩa nổ ra, biết bao những người con ưu tú của dân tộc đã trăn trở ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, các phong trào yêu nước có thể khác nhau về đường hướng, quan điểm nhưng đều có điểm chung đặc biệt đó là lòng yêu nước cháy bỏng, thiết tha, là mưu cầu độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Các cuộc nổi dậy của các sĩ phu đều bị quân thù dìm trong bể máu. Trong bối cảnh tiền đồ dân tộc đen tối chưa tìm ra con đường đi ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá vào Việt Nam, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một chính đảng.
Để đi tới khát vọng phồn vinh dân tộc mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, rất cần sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc, song không thể thiếu sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự gương mẫu của chính đội ngũ đảng viên của Đảng. Lịch sử hào hùng và những thành tựu vẻ vang của Đảng trong 92 năm đồng hành cùng dân tộc đã và đang nhắc nhở chúng ta. |
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Một đảng sinh ra từ gian khó và hy sinh đã nhanh chóng nhận lãnh trách nhiệm lịch sử, trước nhân dân và dân tộc. Từ những phong trào do Đảng phát động, lãnh đạo như: Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, phong trào Dân chủ 1936-1939 và cao trào Cách mạng 1941-1945, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập. Năm 1945, chỉ mới 15 tuổi, với hơn 5 ngàn đảng viên, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Lịch sử đã đặt lên vai dân tộc chúng ta những thử thách vô cùng khốc liệt. 21 ngày hưởng nền độc lập, cả miền Nam lại bước vào cuộc chiến đấu mới và sau đó là Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, dân tộc chúng ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bằng đường lối đúng đắn, Đảng Lao động Việt Nam đã quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc để vừa xây dựng đất nước, vừa đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày 30-4-1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối.
* Thành tựu vẻ vang
Một đảng ra đời trong đấu tranh gian khổ, một đảng mà suốt mấy mươi năm chỉ toàn tâm toàn ý cho đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước; vì vậy, trước công cuộc xây dựng đất nước sau hòa bình đã có lúc bỡ ngỡ, vấp váp là điều không khó hiểu.
Sau thống nhất đất nước, đâu đó đã xuất hiện tình trạng duy ý chí, áp đặt, đã xuất hiện những biểu hiện của bệnh công thần; đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, trong đó có những người một thời từng sát cánh bên nhau, sẵn sàng chết thay cho nhau thì giờ đây lại quay lại hãm hại lẫn nhau… Rất may, bằng bản lĩnh và khả năng của mình, Đảng đã kịp thời phát hiện ra những bất cập, những căn bệnh ấy của xã hội. Đại hội VI của Đảng mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt là đổi mới về kinh tế. Liên Xô sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng và bước vào thời kỳ thoái trào lớn nhất trong lịch sử của mình. Trước bối cảnh và tình hình ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã một lần nữa thể hiện bản lĩnh của mình, Đảng vẫn kiên trì, vững vàng trong phong ba bão táp.
Từ một đất nước thiếu lương thực triền miên trước đổi mới thì suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới. Từ một đất nước với hơn 90% người dân mù chữ trước Cách mạng Tháng Tám thì tới nay tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 ở Việt Nam là trên 97%. Từ một quốc gia không có tên trên bản đồ thế giới thì đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế lớn, đã 2 lần được bầu và đảm nhiệm xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngoài ra, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Ngày 17-11-2021, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO tại trụ sở ở Paris (Pháp), Việt Nam đã được các nước thành viên UNESCO bầu vào Hội đồng Chấp hành, một trong những cơ quan điều hành quyền lực nhất của Tổ chức UNESCO.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ một chính đảng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật khi các lãnh đạo của Đảng đều bị đế quốc, thực dân truy lùng, bắt bớ, giam cầm, tù đày và giết hại thì đến nay đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm nhiều đảng cầm quyền và tham chính. Vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế - do những thành công trong lãnh đạo đất nước - đã ngày càng được khẳng định. Điều này thể hiện ở việc các chính đảng có quan hệ trên thế giới rất quan tâm đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi đây là cơ quan cao nhất ban hành những quyết sách hoạch định đường đi và công cuộc xây dựng, phát triển tất cả mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam. Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được 248 bức điện chúc mừng của các chính đảng, các nhà lãnh đạo trên thế giới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Việt Nam đã nhận được 368 thư điện chúc mừng, trong đó có điện mừng của 167 chính Đảng Việt Nam có quan hệ.
Sau 35 năm đổi mới đất nước, kinh tế Việt Nam đã tăng 12 lần, GDP đầu người tăng gần 8,5 lần. Nếu như năm 1986, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm trên 50% thì đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,9%. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam tiếp túc giảm một nửa, còn 4,8% và nay còn dưới 3%. Không những vậy, Việt Nam đã được nhiều tổ chức uy tín của quốc tế đánh giá là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á và lọt vào tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Năm 2021, với những khó khăn chồng chất do đại dịch Covid lần thứ 4 gây ra, thế nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã cơ bản khống chế được đại dịch với độ tiêm phủ vaccine thuộc một số ít quốc gia đứng đầu trên thế giới…
* Để ngày càng xứng đáng với nhân dân
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển với mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá trong công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Nhân dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình, đó là ở việc Đảng có ban hành các chủ trương, đường lối đúng đắn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân hay không. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XIII đặt ra là: “Khi hoạch định đường lối, chủ trương, giải pháp phải bám sát và xuất phát từ thực tiễn, đánh giá tác động, cân đối, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; kiên quyết khắc phục những yếu kém, trì trệ, tình trạng né tránh trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Vì vậy, người dân nhìn Đảng, đánh giá về Đảng, tin hay mất niềm tin vào Đảng chính là ở đội ngũ đảng viên của Đảng, nhất là những người giữ các cương vị cao có thật sự gương mẫu. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh và đề cao trách nhiệm nêu gương: “Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Hồng Phúc