Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào người dân cũng đều gắn bó, giúp đỡ nhau để vượt qua gian nan, thử thách.
Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào người dân cũng đều gắn bó, giúp đỡ nhau để vượt qua gian nan, thử thách.
Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh tặng quà Tết Nhâm Dần 2022 cho bà con nghèo H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Phương Hằng |
Nay truyền thống đó của dân tộc đang tiếp tục được phát huy cùng với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, chung một ý chí “không chịu khuất phục vì đại dịch Covid-19”, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
* Tình nghĩa đồng bào
Thượng tọa Thích Minh Trí, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa chia sẻ: “Trong những ngày tháng toàn tỉnh phải giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bản thân tôi không một ngày cho phép mình được nghỉ ngơi. Chúng tôi đã thành lập chương trình Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, cùng với anh em tìm đến mọi người để hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng phòng trọ ở P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa), trao các phần nhu yếu phẩm giúp đỡ người nghèo và công nhân lao động bị mất việc làm vì Covid-19. Ngoài ra, Phật giáo Biên Hòa đã kêu gọi các tự viện đóng góp hơn 700 triệu đồng vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19; tiếp nhận nguồn lực từ các cơ sở tôn giáo trong và ngoài tỉnh, cũng như của các mạnh thường quân để chuyển tới lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly y tế giúp mọi người phần nào bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Trong những ngày này khi Tết cổ truyền dân tộc Nhâm Dần 2022 đang cận kề, thượng tọa Thích Minh Trí cùng tăng, ni, phật tử chùa Phúc Lâm - nơi ông là trụ trì, đang tất bật, khẩn trương đóng gói hơn 500 phần quà tết để tặng các hội viên Hội Người mù trong tỉnh.
Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ nhận định, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời có những chỉ đạo và hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, từ đó tạo niềm tin sâu sắc trong lòng mỗi người dân nói chung và người dân Đồng Nai nói riêng. Để đáp lại sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào tôn giáo không ai có thể đứng ngoài cuộc trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Với đặc thù là tỉnh có hơn 70% dân số là đồng bào tôn giáo, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Đồng thời, các tôn giáo đã đóng góp nguồn lực lớn cho công tác phòng, chống dịch như: đã đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 của Việt Nam hơn 5 tỷ đồng và hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện bác ái hơn 311 tỷ đồng. Cùng với đó, 2 tổ chức tôn giáo lớn của tỉnh là Công giáo và Phật giáo đã cử 651 tình nguyện viên là chức sắc, chức việc, tu sĩ và tín đồ tôn giáo tham gia tuyến đầu phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế và khu cách ly tập trung.
Theo Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã có những nội dung mới, chưa từng có tiền lệ, rất ý nghĩa tích cực, đó là giám mục chính tòa và linh mục tổng đại diện Giáo phận Xuân Lộc không chỉ ký ban hành Thư chung và Văn thư kêu gọi hỗ trợ lương thực, thực phẩm và tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch mà các vị còn trực tiếp đến các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế để thăm hỏi, động viên và nhắc nhở các thiện nguyện viên về tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành trong quá trình làm nhiệm vụ tại tuyến đầu chống dịch.
Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Trần Đức Hòa cho rằng, nhiều câu chuyện xúc động, nghĩa cử cao đẹp, hành động thiết thực của toàn dân trong đại dịch đã tiếp thêm sức mạnh đoàn kết, là động lực để toàn xã hội vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh. Từ thực tiễn cho thấy, bất cứ hoạt động, phong trào nào muốn thành công phải có sự chung tay, góp sức, đồng lòng của toàn dân.
* Không để ai bị bỏ lại phía sau
Vừa phát huy sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong việc lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân thì sự định hướng, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn là quan trọng nhất, có tính quyết định để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Thượng tọa Thích Minh Trí và các tín đồ chùa Phúc Lâm (TP.Biên Hòa) đang chuẩn bị quà tặng người mù trong tỉnh nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Phương Hằng |
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong năm 2021, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục chăm lo chu đáo về mọi mặt cho nhân dân. Kết quả, quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động được hơn 22,6 tỷ đồng, từ nguồn quỹ này đã trích ra để xây dựng mới, sửa chữa và hỗ trợ vốn cho người nghèo làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Đối với tổ chức Công đoàn, chỉ tính riêng thông qua chương trình Nghĩa tình Công đoàn đã trao tặng hàng trăm ngàn phần quà nhu yếu phẩm cho người lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19 với tổng trị giá 85 tỷ đồng.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, với hàng ngàn hộ dân đã được vay vốn để sản xuất kinh doanh. Nay toàn tỉnh có hơn 80 ngàn hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đẩy mạnh các hoạt động công tác nhân đạo, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và hoạt động phòng ngừa ứng phó thảm họa, trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh được hơn 209 tỷ đồng. Đồng thời, vận động nhân dân hiến 33.835 đơn vị máu. Tổ chức Hội chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh còn phát động, quyên góp hàng ngàn tấn hàng hóa để cung cấp cho các bệnh viện, khu cách ly y tế, chốt kiểm soát bệnh, các bếp ăn thiện nguyện, cơ sở bảo trợ xã hội, khu phố, tổ dân cư, khu phong tỏa…
Ngoài nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm vì Covid-19 với tổng số tiền 1.873,83 tỷ đồng và tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch cho tỉnh có tổng trị giá 459,584 tỷ đồng. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Vừa tập trung các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đơn vị, địa phương trong tỉnh vừa triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, nổi bật như: đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời giải quyết ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Đến nay, toàn tỉnh có 56/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho biết, trong năm vừa qua, tỉnh ta và cả nước gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, làm đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, thay đổi rất nhiều hoạt động bình thường của xã hội, từ đó làm cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp cũng phải thay đổi theo. Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh như kẻ thù giấu mặt, vô hình nên có lúc ở tỉnh ta có cả ngàn ca F0/ngày; không ai được ra ngoài đường (trừ những người làm nhiệm vụ chống dịch). Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, toàn bộ hệ thống chính trị cả nước và tỉnh, chúng ta cơ bản ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, mọi hoạt động đã trở lại bình thường trong trạng thái mới.
Nhìn lại năm 2021 để thấy, mặc dù tình hình khó khăn nhưng toàn tỉnh đã nỗ lực rất lớn nên các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra cơ bản thực hiện đạt và vượt. Đáng nói là thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 64 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 10 ngàn tỷ đồng so với năm trước); công tác lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể và các hoạt động chính trị, kinh tế, an ninh chính trị vẫn được giữ vững, đó là điều hết sức đáng mừng. Qua công tác phòng, chống dịch bệnh đã nổi lên rất nhiều tấm gương, cách làm hay, điển hình dân vận khéo ở tất cả các ngành, lĩnh vực… đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của tỉnh.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG nêu rõ, nhiệm vụ phía trước còn rất nhiều và nặng nề, trong khi dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, phát huy những kết quả đạt được và sức mạnh toàn dân, chúng ta phải chủ động hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống Covid-19 gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các năm tiếp theo. |
Phương Hằng