Tại buổi đối thoại giữa Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh với công nhân lao động (CNLĐ) các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng của CNLĐ đã được lắng nghe, chia sẻ và cùng tìm hướng tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH), các thiết chế văn hóa, đời sống của CNLĐ…
Tại buổi đối thoại giữa Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh với công nhân lao động (CNLĐ) các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng của CNLĐ đã được lắng nghe, chia sẻ và cùng tìm hướng tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH), các thiết chế văn hóa, đời sống của CNLĐ…
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai trao đổi về nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội. Ảnh: Công Nghĩa |
* Mong mỏi về nơi an cư
Trước khi vào buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã yêu cầu Ban tổ chức di chuyển chiếc bàn đồng chí Bí thư ngồi xuống gần với CNLĐ để buổi đối thoại trở nên gần gũi và cởi mở hơn.
Anh Nguyễn Trung Thường, làm việc tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (H.Nhơn Trạch) nêu băn khoăn, giá NƠXH diện tích từ 30-60m2 có giá từ 600-900 triệu đồng, công nhân rất khó tiếp cận. Vậy tỉnh có chính sách nào hỗ trợ giảm giá NƠXH để phù hợp với tài chính của CNLĐ hay không?
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Các địa phương phải rà soát lại các khu nhà trọ, đủ điều kiện mới được phép cho thuê. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, trong thời gian 4 tháng tới đây phải kiểm tra từng khu nhà trọ, khu nào không đảm bảo thì phải sửa chữa lại, không đảm bảo các điều kiện về diện tích, môi trường sinh hoạt, an ninh an toàn thì không được tổ chức cho thuê. Phải quyết liệt như vậy thì mới đảm bảo được điều kiện chỗ ở cho công nhân lao động. Các nhà trọ cũng phải bố trí chỗ sinh hoạt cho công nhân thư giãn, giải trí. |
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, khi công nhân muốn sở hữu một căn nhà thì phải có tư duy lâu dài, không nên tư duy nhà ở giá rẻ thì chất lượng thấp, nhà đã mua là phải bền chắc, lâu dài. Tỉnh đang bàn kế hoạch xây NƠXH cho công nhân mua trả góp, giá mỗi căn nhà trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Công nhân được mua nhà trả góp từ 10-20 năm, mỗi tháng công nhân tích lũy dành ra một khoản tiền để trả và sau 10-20 năm căn nhà đó thuộc về gia đình công nhân. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì công nhân sẽ khó có nhà ở an cư lạc nghiệp.
Chị Huỳnh Ngọc Thuận, công nhân Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch) vừa đặt câu hỏi, vừa “hiến kế” cho tỉnh. Theo chị Thuận, tỉnh có kế hoạch huy động 7 ngàn tỷ đồng để xây 3.500 căn NƠXH trong 5 năm tới, với số lượng này thì không phải là nhiều so với nhu cầu thực tế. Tỉnh có thể dùng nguồn lực này để đầu tư hạ tầng, sau đó kêu gọi DN vào đầu tư NƠXH hay không?
Nhận xét câu hỏi của chị Thuận rất hay, nhưng đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: “Đây mới chỉ là dự kiến nguồn ngân sách nhà nước, ngoài ra còn phải huy động tổng lực nhiều nguồn khác nhau, trong đó có DN, nhà đầu tư xây cho công nhân của họ. Nhà nước có thể tạo điều kiện về chính sách như được giao đất cho DN xây nhà cho công nhân, miễn thuế… và công nhân được hưởng lợi từ chính sách này. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể kêu gọi nhà đầu tư xây dựng NƠXH bán cho công nhân với giá hợp lý, Nhà nước kiểm soát…
* Quan tâm quyền lợi chính đáng của người lao động
Anh Nguyễn Văn Tùng, Công ty CP Công nghiệp Chính Xác (VPIC) bày tỏ, anh được ở ký túc xá của công ty nhưng mong chờ có được các thiết chế văn hóa vui chơi giải trí.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu đối thoại với công nhân lao động. Ảnh: Công Nghĩa |
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Công nhân được bố trí ở cư xá là tốt, nhưng có rất ít DN làm được điều này. Tới đây, trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ có điều kiện đó là DN đầu tư vào Đồng Nai thì phải xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Nếu DN đến chỉ xây dựng nhà máy mà không quan tâm đến chỗ ở thì dứt khoát không được chấp nhận. Đối với những nơi đã có nhà máy thì tới đây tỉnh sẽ phối hợp với DN để tính toán”.
Quan tâm đến thiết chế văn hóa cho CNLĐ, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ thêm: “Thiếu thiết chế văn hóa, công nhân không có gì để giải trí, đi làm về lại tụ tập nhậu nhẹt hoặc ngủ cho qua ngày, hôm sau đi làm. Chúng ta phải giải bài toán để CNLĐ có điều kiện vui chơi giải trí sau giờ làm. Chỗ nào có cư xá thì hỗ trợ kinh phí mua sắm dụng cụ thể dục - thể thao, chỗ nào chật quá thì tạo ra không gian để công nhân đi làm về có nơi vui chơi giải trí, lấy lại tinh thần và sức lực”.
Chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, Nhà nước có ưu đãi giá điện, giá nước cho người dân, thế nhưng thực tế hiện nay một số chủ nhà trọ thường thu cao hơn mức quy định của Nhà nước. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho rằng, CNLĐ thuê trọ không có hợp đồng nên khi gặp vấn đề ngoài ý muốn thì luôn thiệt thòi. Thậm chí, chủ nhà trọ không hài lòng thì đuổi công nhân ra khỏi phòng trọ.
Đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn của CNLĐ, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Chính quyền địa phương phải tích cực kiểm tra, giám sát để công nhân ở trọ được đối xử một cách công bằng về tiền điện, tiền nước sinh hoạt. Ngoài ra, còn phải đảm bảo môi trường vệ sinh sạch sẽ, an ninh, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Không thể chấp nhận được cảnh nhà trọ không có ánh nắng mặt trời, thiếu nước, dây điện thì mất an toàn, nguy cơ cháy nổ rất cao, nguy hiểm cho trẻ em…”.
Bí thư Tỉnh ủy cho biết, sau đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua, vấn đề nhà ở, nhà trọ công nhân bộc lộ rất nhiều bất cập. Tỉnh ủy đã giao cho UBND tỉnh xây dựng lại quy chuẩn xây dựng nhà trọ đảm bảo các điều kiện tốt như diện tích tối thiểu phải bao nhiêu, phải có ánh sáng và không khí thông thoáng, hành lang giữa hai phòng đối diện là bao nhiêu… Chủ nhà trọ phải đáp ứng được các điều kiện đầy đủ mới được phép xây dựng và kinh doanh nhà trọ. Trong lúc tỉnh chưa xây dựng được nhiều NƠXH thì nhà trọ là một giải pháp, nhưng nhất định nhà trọ cũng phải có quy chuẩn.
* Cuộc đối thoại chân thành
Để có thể giải đáp chi tiết những thắc mắc, ý kiến của CNLĐ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã mời lãnh đạo của một số sở, ngành và các địa phương cùng tham gia trả lời. Trong đó, lãnh đạo Sở KH-ĐT trả lời về việc thu hút các dự án NƠXH; lãnh đạo Sở Xây dựng chia sẻ với CNLĐ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NƠXH, làm sao để DN và nhà đầu tư thực sự “mặn mà” với lĩnh vực này, để công nhân được hưởng lợi. Trong khi đó, lãnh đạo Sở TN-MT chia sẻ những tín hiệu vui, riêng 3 địa phương Nhơn Trạch, Trảng Bom và Cẩm Mỹ trong quy hoạch mới đã dành ra 300ha đất để xây dựng NƠXH.
Công nhân lao động chia sẻ tại buổi đối thoại. Ảnh: Công Nghĩa |
Trao đổi với CNLĐ về chính sách vay vốn thuê mua NƠXH, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, Nhà nước đã có rất nhiều chương trình cho vay thuê mua NƠXH với lãi suất ưu đãi, chỉ 4,5-5%/năm, thời gian cho vay dài. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, nguồn vốn cho vay thuê mua NƠXH có những lượng vốn được phân bổ rất thấp, điều kiện vay cũng khá khắt khe. Năm 2021, Đồng Nai được phân bổ 25 tỷ đồng, nhưng 13 tỷ đồng phải trả về Trung ương do điều kiện vay quá chặt chẽ, khó tiếp cận. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ có kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tăng bổ sung vốn và tháo gỡ các điều kiện vay.
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, những ý kiến đóng góp của CNLĐ tại buổi đối thoại là rất chân thành và thẳng thắn. Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Lãnh đạo của địa phương nào cũng có mong muốn mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Khi đánh giá vai trò của chính quyền thì người ta không hỏi xem người giàu ở đây sống như thế nào, mà họ sẽ xem người nghèo được chăm lo ra sao, điều đó mới là quan trọng. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh phải khẩn trương hoàn thành đề án xây dựng NƠXH”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh gặp gỡ cán bộ Công đoàn, công nhân lao động tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Công Nghĩa |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặc biệt nhấn mạnh: “Phải chú ý dành quy hoạch đất xây dựng NƠXH, chứ không phải chỗ nào đụng đến cũng là quy hoạch nhà ở thương mại, trung tâm thương mại. Quy hoạch NƠXH phải được bố trí đều ở những nơi có công nhân, chỗ nào có đông công nhân càng phải bố trí nhiều dự án. Khi có đất thì phải có tiền để xây, muốn vậy thì phải huy động từ ngân sách, từ DN, nhà đầu tư”.
Nói về cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy với CNLĐ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Teakwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Đinh Sỹ Phúc cho rằng: “Đây là lần đầu tiên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đối thoại với CNLĐ Đồng Nai. Một điều có thể dễ nhận thấy là sự thấu hiểu và chia sẻ với CNLĐ. Những giải pháp của Bí thư Tỉnh ủy và cũng là của tỉnh về NƠXH là rất thực tế, có tính khả thi cao và cũng rất quyết liệt. Tôi tin rằng, thời gian tới, không chỉ có NƠXH mà nhiều vấn đề khác của CNLĐ sẽ được quan tâm giải quyết”.
Công Nghĩa
Ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện Công ty TNHH Elite Việt Nam (H. Long Thành):
Đồng Nai còn ít dự án nhà ở cho công nhân
Công ty TNHH Elite Việt Nam hiện có trên 3 ngàn lao động, trong đó đa số lao động nhập cư đều đang thuê trọ và đời sống CNLĐ còn nhiều khó khăn. Hiện nhiều lao động đang mong muốn được mua NƠXH giá rẻ tại Đồng Nai để ổn định cuộc sống xa quê. Được biết, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho CNLĐ, nhất là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp tác động đến đời sống phần lớn CNLĐ, đặc biệt là lao động xa quê khó khăn về nhà ở.
Trong khi đó, thực tế đến nay Đồng Nai có rất ít dự án nhà ở cho công nhân do DN đầu tư. Sắp tới, tỉnh cần có giải pháp để khuyến khích các DN đầu tư các dự án nhà ở cho CNLĐ, đảm bảo nguồn lực sản xuất của DN và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Phạm Trung Thuyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (H.Long Thành):
Tỉnh cần có chính sách lâu dài đáp ứng nhu cầu nhà ở công nhân
Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó có khoảng 700 ngàn lao động làm việc trong các DN với hơn 50% lao động nhập cư và có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Vì vậy, thông qua đối thoại, lắng nghe chia sẻ, phản ảnh của CNLĐ, trong thời gian tới, tỉnh cần có những chính sách lâu dài để đáp ứng nhu cầu nhà ở của họ.
Tôi mong rằng, qua hội nghị đối thoại, lãnh đạo tỉnh sẽ kịp thời ghi nhận những kiến nghị, phản ảnh, tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ để có cơ sở cải thiện nhiều chính sách chăm lo lâu dài hơn, đặc biệt là nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Nguyễn Hòa