Đó là kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.
Đó là kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.
Nhóm PV Sản xuất thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Hương Giang |
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, kéo dài, có những thời điểm bùng phát mạnh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, nhất là đời sống của người dân, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, đa số ý kiến đều ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và DN ở Đồng Nai đã vượt khó, đồng sức, đồng lòng kiểm soát tình hình dịch bệnh, đưa kinh tế của Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng, phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo.
Báo Đồng Nai đã ghi nhận ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, DN và người dân nhìn lại năm 2021 cùng những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Xây dựng chiến lược thực hiện thắng lợi chuyển đổi số
Sau đợt đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số trong phục vụ đời sống xã hội, phục vụ nhân dân. Việc chuyển từ cuộc sống bình thường sang áp dụng công nghệ số vào cuộc sống ngày càng phổ biến như: họp trực tuyến, học trực tuyến, mua hàng trực tuyến... Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 sẽ triển khai 18 nhiệm vụ đột phá.
Thời gian tới, Đồng Nai cần xây dựng chiến lược chuyển đổi, trong đó xác định 3 mục tiêu chính là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện điều đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở
TT-TT xây dựng chiến lược Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 với 3 mục tiêu trên; đồng thời, đề xuất cụ thể bước đi, giải pháp thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Song song đó, cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị, xem đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Huy động nguồn lực xã hội cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai chuyển đổi số; đề xuất giải quyết những vấn đề còn bất cập để công cuộc chuyển đổi số thành công.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung: Đại đoàn kết toàn dân tộc để chiến thắng đại dịch và thực hiện thắng lợi khát vọng phồn vinh, hạnh phúc
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân và gây tổn thất nghiêm trọng cho kinh tế đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn xã hội, Đồng Nai đã đạt được những thành công nhất định trong phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả này rất đáng quý, rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các nội dung công tác phù hợp với điều kiện xã hội, nhất là trong trạng thái xã hội bình thường mới. Tôi tin tưởng với sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; với ý chí quyết tâm cao, nhất định Đồng Nai sẽ chiến thắng đại dịch, nhất định các cấp, các ngành sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 6-12-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2022.
Giám đốc Sở Y tế PHAN HUY ANH VŨ: Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Năm 2022, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Y tế là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Với vai trò chủ công, ngành Y tế sẽ phối hợp với các lực lượng, sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh nỗ lực kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; hạn chế tối đa số ca bệnh nặng, số ca tử vong do Covid-19. Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chế độ chính sách hỗ trợ nhằm tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế từ xã đến tỉnh. Phối hợp tốt với bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trong việc thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), giải quyết những vướng mắc liên quan đến BHYT, BHXH trong thời gian qua. Đặc biệt, sẽ xây dựng đề án để phát triển nguồn nhân lực y tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế; có kế hoạch điều động, luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về trạm y tế, nhất là các trạm y tế lưu động để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển xã hội hóa y tế; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh để hướng tới sự hài lòng của người bệnh, hạn chế tình trạng người dân trong tỉnh phải lên các bệnh viện tuyến trên để khám, chữa bệnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ: Từng bước vượt qua khó khăn do dịch bệnh
Có thể nói, với sự chủ động thích ứng với dịch bệnh Covid-19 theo định hướng của Chính phủ và của tỉnh đã giúp thầy cô giáo và các em học sinh không bị gián đoạn việc dạy và học. Từ giữa tháng 11 đến nay, tỉnh đã từng bước triển khai thí điểm dạy và học trực tiếp ở các địa phương trong tỉnh. Ban đầu công tác này gặp rất nhiều khó khăn do phụ huynh chưa yên tâm cho con em mình đến trường, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Tuy nhiên, bằng nỗ lực rất lớn, toàn tỉnh đã nâng dần số lượng trường tổ chức cho học sinh đến lớp học trực tiếp từ 14 trường giữa tháng 11 lên 92 trường vào cuối tháng 12. Tỷ lệ học sinh trở lại trường học trực tiếp đạt trên 90%, có trường đạt 100%, việc học trực tiếp đã dần ổn định như bình thường.
Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp ở tất cả các cấp học với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.
Dù khó khăn đến đâu, toàn ngành sẽ nỗ lực sáng tạo vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, đặc biệt là chú trọng công nghệ thông tin vào công tác quản lý dạy và học để nâng cao hiệu quả một cách toàn diện.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý: Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ
Năm 2021, phong trào Công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nhiều. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 400 ngàn NLĐ phải tạm ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm do dịch bệnh. Đứng trước khó khăn của NLĐ, các cấp Công đoàn tỉnh đã chi số tiền gần 234 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ kịp thời. Trong đó, hỗ trợ lao động bị cách ly, phong tỏa, lao động bị F0, F1, lao động bị mất việc làm và lực lượng tuyến đầu phòng dịch… Các cấp Công đoàn tăng cường bám sát cơ sở, nỗ lực thương lượng nhiều nội dung có lợi cho NLĐ tại thỏa ước lao động tập thể, vận động các chủ doanh nghiệp chi trả lương cho NLĐ trong thời gian tạm nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội.
Phát huy những kết quả nổi bật trong năm qua, bước sang năm 2022, tổ chức Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn để tạo điểm tựa vững vàng cho đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống đoàn viên. Các hoạt động tập trung hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, NLĐ làm trọng tâm nhằm sát cánh, động viên NLĐ tiếp tục vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần phòng dịch, đẩy mạnh lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần vào sự ổn định của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông: Tăng cường phối hợp nhằm tạo sự phát triển KH-CN đồng bộ
Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng khó khăn chung của đại dịch Covid-19 nhưng ngành KH-CN tỉnh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, đáng kể là các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Theo đó, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh. Sở KH-CN đã chủ động, linh hoạt tổ chức các hội nghị, hội thảo online trên nền tảng ứng dụng
KH-CN và phần mềm trực tuyến được phát triển riêng của ngành nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt, cuối tháng 11, Sở KH-CN phối hợp với nhiều sở, ngành đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (TechFest Đồng Nai) 2021. Sự kiện đã để lại dấu ấn và tạo sự lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.
Trong các hoạt động do Sở KH-CN chủ trì, chúng tôi tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển KH-CN của tỉnh. Sở KH-CN cũng phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong việc đề ra các nhiệm vụ khoa học bám sát với nhiệm vụ trọng tâm và đột phá mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ KIM BẰNG: Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh, toàn ngành VH-TTDL đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt hoạt động trên các lĩnh vực, làm tốt công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước và tỉnh. Đồng thời, hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, kịp thời đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, vũ trường), trò chơi điện tử…; chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp, các phòng chuyên môn chuyển đổi hình thức thực hiện phù hợp, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại và hạn chế, năm 2022, ngành tập trung khôi phục hoạt động du lịch, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm trong năm với nhiều hình thức trực tuyến, trực tiếp, cổ động trực quan. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; duy trì và tổ chức hiệu quả các mô hình khu nhà trọ văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp duy trì phương án “3 tại chỗ”, sau đó phục hồi sản xuất khá tốt |
Phó giám đốc Sở GT-VT DƯƠNG MẠNH HƯNG: Quy hoạch lại các tuyến vận tải đón đầu những dự án giao thông lớn
Trong năm 2022, nhiều dự án giao thông tại Đồng Nai tiếp tục được khởi công, đặc biệt có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực kết nối các địa phương trong tỉnh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ với các vùng nói chung. Kéo theo đó, nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân, DN sẽ tăng lên.
Vì vậy, Sở GT-VT đang tăng cường xây dựng, quy hoạch kết nối các tuyến vận tải phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm với nhu cầu thực tế nhằm đón đầu các dự án giao thông lớn. Điều này đòi hỏi mạng lưới GT-VT phải phát triển đồng bộ và bắt kịp với tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên thì ngành vận tải hành khách sẽ sớm phục hồi. Tiến tới xây dựng hệ thống vận tải hành khách, hàng hóa phù hợp, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất kinh doanh của người dân và DN.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THỤ, cán bộ hưu trí P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa): Mong Đồng Nai tiếp tục phát triển bền vững
Năm 2021 vừa qua là một năm đầy khó khăn, thử thách khi Đồng Nai vừa phải chống dịch, vừa phải triển khai các giải pháp đảm bảo sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cùng người dân, DN đã đồng lòng vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất, khi mà dịch bệnh bùng phát mạnh, toàn tỉnh phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh suốt nhiều tháng liền. Chính vì vậy, việc Đồng Nai tổ chức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và tuyên dương các lực lượng tuyến đầu, các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, chức sắc, nhà tu hành trong phòng, chống dịch Covid-19 rất ý nghĩa, thiết thực, khiến tôi xúc động.
Tôi mong chờ năm 2022, các cấp lãnh đạo tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục tồn tại, khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đưa kinh tế tăng tốc phát triển. Trong đó, cần thêm nhiều chủ trương, chính sách giúp DN, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số. Đồng thời, phải kịp thời giải quyết các vấn đề còn bất cập trong quá trình phát triển như: tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm xây dựng, ùn tắc giao thông tại các đô thị... Có như vậy mới củng cố niềm tin cho nhân dân, tạo sự đồng thuận cho con đường phát triển thời gian tới.
Ông ARTUR PETROSJAN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa): Phục hồi sản xuất nhanh sau đại dịch
Công ty TNHH Friwo Việt Nam chuyên sản xuất các thiết bị máy móc xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các nước khác. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn cho DN, nhiều đơn hàng bị chậm lại. Tuy nhiên, sau khi toàn bộ cán bộ, nhân viên, công nhân của công ty được tiêm vaccine ngừa Covid-19, hoạt động sản xuất của công ty được phục hồi khá tốt.
Công ty Friwo hy vọng năm 2022, Chính phủ và tỉnh sẽ tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt để DN có thể yên tâm ký kết các đơn hàng ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện Friwo đã chuyển một số nhà máy sản xuất từ một số nước về Đồng Nai và dự tính sẽ tăng công suất trong năm tới. Friwo mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục hỗ trợ công ty để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đơn giản các thủ tục hành chính để duy trì sản xuất ổn định.
Chị Trần Thanh Thảo (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa): Mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ
Năm 2021, do tình hình dịch bệnh, nhiều DN tạm dừng hoặc ngừng hoạt động; các trường học phải đóng cửa nên nhiều NLĐ bị mất việc, nghỉ việc vì không có việc làm hoặc phải trông coi con nhỏ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của nhiều NLĐ. Tuy nhiên, những tháng gần đây, Đồng Nai đã dần kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa phục hồi kinh tế, nhiều công ty hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhiều NLĐ đã quay lại nhà máy làm việc, có thu nhập, chăm lo cho cuộc sống, gia đình. Đây là một tín hiệu rất vui.
Hy vọng trong năm 2022, dịch bệnh được đẩy lùi, các DN phục hồi sản xuất, tăng tốc phát triển để NLĐ có công việc ổn định hơn. Đặc biệt, tôi mong các ngành chức năng và DN sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ như: tăng lương, nhà ở xã hội... để NLĐ yên tâm lao động sản xuất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các DN cố ý chây ì nợ BHXH, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ.
Nhóm PV