Với quan điểm Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Với quan điểm Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Các đại biểu tại điểm cầu TP.Biên Hòa tham dự hội nghị trực tuyến tập huấn một số nội dung tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Ảnh: T.Lâm |
Thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 61 đã góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Dù vậy, thực tế triển khai cho thấy những khó khăn nhất định, đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục.
* Cải thiện chất lượng giải quyết hồ sơ
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, thực hiện Nghị định số 61, đến nay cả nước đã có 59 địa phương tổ chức trung tâm hành chính công; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương có tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, Nghị định 61 đã hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; quy định rõ toàn bộ quy trình giải quyết TTHC. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC thông qua việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung, thống nhất cấp bộ, cấp tỉnh; quy định việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước chính xác, khoa học, công khai...
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC NGÔ HẢI PHAN: “Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC có một số nội dung đổi mới như: gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa”. |
Tại Đồng Nai, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, UBND tỉnh cho biết, trong năm qua, tỉnh đã tập trung kiện toàn nhân sự, rà soát chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC, TTHC liên thông; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống CNTT và cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa các cấp.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trung tâm đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo các hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân được an toàn, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích.
Trong đó, đối với các sở, ngành có số TTHC có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 85% (Sở Ngoại vụ, TT-TT, KH-CN, VH-TTDL, Tài chính...) được rút gọn đầu mối tiếp nhận và trả kết quả; bổ sung nhân sự tiếp nhận hồ sơ TTHC ngành Bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, thực hiện công khai đầy đủ thông tin về quá trình tiếp nhận và kết quả giải quyết TTHC; chia sẻ dữ liệu, đảm bảo thông tin chính xác, đồng bộ giữa phần mềm Egov, trên các trang thông tin điện tử. Tăng cường theo dõi, giám sát thường xuyên tiến độ giải quyết hồ sơ, tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Ngoài ra, tiến độ giải quyết TTHC của 20/20 sở, ngành, 11/11 UBND cấp huyện, 170/170 UBND cấp xã được công khai tới người dân, tổ chức trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin cải cách hành chính, cổng tra cứu dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời, cho phép người dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức qua nhiều phương tiện khác nhau. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và tăng cường hiệu quả công khai minh bạch trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, làm cơ sở để đánh giá trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC. Nhờ vậy, chất lượng giải quyết hồ sơ được nâng lên. Trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn của cấp tỉnh đạt 99,43%, cấp huyện đạt 99%, cấp xã đạt 98,6%.
Ông Triệu Trung Tính, Chánh văn phòng HĐND - UBND TP.Biên Hòa cho hay, trong năm 2021, thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trọng tâm là ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Trong đó, thành phố tiếp tục củng cố nhân sự làm việc tại Bộ phận một cửa, bố trí điểm thu hộ ngân sách do ngân hàng thương mại đảm nhiệm và điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp theo hình thức phi địa giới hành chính. Đặc biệt, tập trung mở rộng thu nhận hồ sơ căn cước công dân ngoài giờ hành chính và tăng cường tại 3 điểm khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần giảm tải áp lực tại bộ phận. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC; thực hiện thông báo kết quả giải quyết TTHC đến người dân biết về tiến độ giải quyết hồ sơ, số tiền nghĩa vụ tài chính, tra cứu tình trạng hồ sơ qua Zalo…
* Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song nhìn chung trên phạm vi cả nước, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Hơn nữa, việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, DN đã được triển khai, tuy nhiên chưa thật sự kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời hạn chế, bất cập…
Tại Đồng Nai, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại cấp huyện chưa đạt so với mục tiêu đề ra; việc số hóa hồ sơ TTHC còn chậm, chưa thực hiện lưu trữ hồ sơ điện tử đáp ứng các quy định hiện hành…
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngày 27-3-2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Quyết định đã đặt mục tiêu, đến năm 2022, giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần giao dịch. Đến giai đoạn 2023-2025, hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia; 80% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó). Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng hồ sơ tiếp nhận. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025…
Bám sát Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 5755/KH-UBND xác định mục tiêu cụ thể, đề xuất các giải pháp và phân công các đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2021-2025. Qua đó, hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động.
Thảo Lâm