Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng thứ 4 là phát triển con người và xây dựng nền văn hóa.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng thứ 4 là phát triển con người và xây dựng nền văn hóa.
Người dân tham quan Bảo tàng tỉnh trong tháng 5-2021. Ảnh: My Ny |
Cụ thể là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Như vậy có thể thấy, tư duy lý luận về xây dựng văn hóa mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là: xây dựng để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh; văn hóa là động lực phát triển và xây dựng văn hóa gắn với chiến lược về con người.
* Văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh
Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có những bài học kinh nghiệm về xây dựng và phát triển văn hóa. Đại hội khẳng định: “Bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước”. Như vậy, Đảng ta khẳng định để phát triển đất nước toàn diện cần chú trọng và phát triển hài hòa giữa các mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên, môi trường; coi trọng phát triển GD-ĐT, KH-CN.
Có thể khẳng định rằng, tư duy lý luận về xây dựng văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhất quán. Điều này để thể hiện rõ trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những tư duy lý luận về văn hóa phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. |
Bài học kinh nghiệm này của Đảng được rút ra cũng chính là những nhận thức mới phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới. Xem nhẹ, bỏ rơi các yếu tố văn hóa, xã hội, con người, môi trường trong quá trình phát triển đất nước sẽ dẫn tới những hệ lụy và các bất cập của xã hội và sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể khắc phục. Đề cao lối sống thực dụng sẽ dẫn tới xã hội tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu xã hội tiêu thụ, con người sẽ khai thác cạn kiệt, phá hủy tài nguyên để đáp ứng nhu cầu và sẽ dẫn tới những thảm họa về môi trường. Xã hội đề cao quá mức lối sống thực dụng, hưởng thụ và “đẳng cấp” sẽ phơi bày những hình ảnh về sự cách biệt giàu nghèo để rồi từ đó làm nảy sinh những mâu thuẫn trong xã hội.
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
* Văn hóa là động lực của sự phát triển
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với sự đổi mới trong tư duy kinh tế và chính trị, Đảng ta đã có những đổi mới quan trọng trong tư duy về văn hóa khi tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 quan điểm mà Đại hội XIII đề ra, quan điểm thứ 2 là về vai trò của văn hóa: “...gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Quan điểm này là sự kế thừa và phát triển tư duy về xây dựng văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Nghị quyết 05 ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới đã xác định: “Văn hóa là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa, là một động lực mạnh mẽ, đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993) xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) tiếp tục khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (...). Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”.
Đặc biệt, Kết luận hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương khóa IX (năm 2004) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006) đã xác lập vị trí quan trọng của văn hóa cùng phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Đây là bước phát triển trong tư duy của Đảng về vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục nhất quán với quan điểm này khi khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Như vậy, với quan điểm mà Đại hội XIII xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định văn hóa không đứng ngoài sự phát triển. Sự phát triển của văn hóa là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho công tác xây dựng Đảng và cho củng cố quốc phòng - an ninh. Cũng vậy, các lĩnh vực còn lại đều có mối quan hệ tương hỗ với việc xây dựng và phát triển văn hóa.
* Xây dựng văn hóa gắn với chiến lược về con người
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Đây là quan điểm nhất quán về việc gắn xây dựng văn hóa với phát triển con người.
Trong những năm qua, trong quá trình xây dựng một nền văn hóa mới, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu và kết quả ấn tượng, song vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn”. Có thể thấy, các hạn chế, bất cập trên lĩnh vực văn hóa hiện nay biểu hiện trên các mặt liên quan đến việc xây dựng con người. Đó là tư tưởng lối sống thực dụng, buông thả, chạy theo những nhu cầu vật chất tầm thường, trong đó có những nội dung phản văn hóa; tiếp nhận không có chọn lọc những nội dung văn hóa của nước ngoài không phù hợp với đạo lý, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam…
Xác định cho được những hạn chế, yếu kém đã giúp Đảng đề ra các giải pháp phù hợp, khả thi trong xây dựng văn hóa. Vì vậy, cùng với xây dựng văn hóa, Đảng quan tâm tới việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội. Xây dựng văn hóa Đảng và văn hóa trong xã hội để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Vũ Trung Kiên