Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp cụ thể cho những lĩnh vực ưu tiên phát triển

08:07, 13/07/2021

UBND tỉnh đã xây dựng đề án Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) theo những định hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực, trong đó những lĩnh vực ưu tiên kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá lớn, đồng thời có tác dụng kích thích cho nhiều lĩnh vực khác phát triển theo.

UBND tỉnh đã xây dựng đề án Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) theo những định hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực, trong đó những lĩnh vực ưu tiên kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá lớn, đồng thời có tác dụng kích thích cho nhiều lĩnh vực khác phát triển theo.

Hệ thống đường tỉnh 319 kết nối Long Thành - Nhơn Trạch với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Ảnh: Công Nghĩa
Hệ thống đường tỉnh 319 kết nối Long Thành - Nhơn Trạch với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Ảnh: Công Nghĩa

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết: “Trong giai đoạn 2020-2025, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh sẽ huy động khoảng 202.400 tỷ đồng đầu tư cho các lĩnh vực, trong đó ưu tiên nhất là đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông kết nối hiện đại và đồng bộ”.

* Những lĩnh vực được ưu tiên

Theo đề án Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, có 9 lĩnh vực được tỉnh ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển gồm: hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; hệ thống thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu; nông nghiệp công nghệ cao; đảm bảo cung cấp điện; hệ thống công nghệ thông tin truyền thông; hệ thống trung tâm thương mại; GD-ĐT - y tế - khoa học - công nghệ; văn hóa - thể thao và du lịch. Trong 9 lĩnh vực này, một số lĩnh vực được ưu tiên đầu tư lớn như giao thông và hạ tầng đô thị nhằm tạo ra động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

Đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, theo kế hoạch tỉnh sẽ huy động nguồn lực đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh và của tỉnh. Những dự án này đều có tính kết nối vùng cao. Cụ thể là các tuyến đường kết nối với các đường cao tốc đi qua Đồng Nai, tập trung cùng với Trung ương hoàn thành các dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường vành đai 2-3, cảng biển nước sâu…

Trong khi đó, đối với lĩnh vực hạ tầng đô thị, tỉnh đã có kế hoạch ưu tiên tập trung tạo đột phá cho đô thị Biên Hòa xứng tầm với đô thị trung tâm của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục cùng với thành phố tháo gỡ một loạt các khó khăn để sớm khởi công các dự án như: Đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu; Trục đường ven Sông Cái từ đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng) đến đường Trần Quốc Toản (P.An Bình); Trục đường trung tâm TP.Biên Hòa kết nối P.Hiệp Hòa với P.Thống Nhất gồm có cầu Thống Nhất bắc qua 2 phường… Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ quan tâm phát triển các đô thị như TP.Long Khánh và các huyện nhằm tạo sự phát triển đồng bộ.

Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, hướng phát triển của tỉnh là ưu tiên cho các dự án nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư hạ tầng lưới điện, hệ thống nước sạch cho các vùng nông thôn vừa phục vụ phát triển nông nghiệp, vừa phát triển nâng cao đời sống nhân dân. Việc đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là hướng đi của Đồng Nai nhằm cụ thể hóa phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, UBND tỉnh đã xác định sẽ tập trung chuyển đổi số nền kinh tế - xã hội, trong đó có tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025 và hướng đến năm 2030. Tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ môi trường. GD-ĐT sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cho người dân để nắm bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ hiện đại.

* Cần giải pháp cụ thể

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, chưa khi nào Đồng Nai có được sự ưu tiên lớn của Trung ương đối với đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng lớn như hiện nay. Điều này càng thuận lợi hơn cho tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải thật khẩn trương, nhanh chóng tận dụng thời cơ quý giá này để đưa tỉnh phát triển nhanh và hiện đại.

Cụ thể, đối với các công trình giao thông trọng điểm, cần đẩy nhanh thực hiện các khâu khó và quan trọng là giải phóng cho được mặt bằng sạch, có mặt bằng mới triển khai thi công được. Muốn có mặt bằng phải làm tốt công tác tuyên truyền, bố trí tái định cư, đền bù xứng đáng cho người dân bị thu hồi đất, đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân.

Các sở, ngành và địa phương phải coi trọng việc tranh thủ sử dụng đúng, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn, tránh lãng phí các nguồn lực. Một bài học được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nêu ra để làm kinh nghiệm cho các dự án khác trên địa bàn đó là giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh vừa giải phóng diện tích lớn, vừa lo tái định cư cho lượng lớn người dân. Có thể nói, đây là một kỳ tích mà không phải dự án trọng điểm quốc gia nào cũng có thể làm được. Cách làm này cần được nhân rộng ở những dự án lớn tiếp theo của tỉnh. Thời gian tới, cần xem xét thành lập ban giải phóng mặt bằng; đơn vị này như một đơn vị công lập chỉ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho các dự án của tỉnh.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị đang được nhiều địa phương quan tâm và ủng hộ, tạo sự đồng bộ từ tỉnh đến huyện và xã.

Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam cho hay, Long Khánh đang rất kỳ vọng vào kế hoạch của tỉnh sẽ lan tỏa đến các địa phương. Đối với Long Khánh, sau khi lên thành phố đang quan tâm phát triển, mở rộng không gian đô thị đồng bộ và hiện đại. Do đó, trong thời gian tới, TP.Long Khánh mong được tỉnh quan tâm bổ sung một số dự án giao thông lớn như: Đường tránh TP.Long Khánh, Phát triển đô thị theo dọc hai bên quốc lộ 1, Thực hiện 2 tuyến đường vành đai quanh thành phố kết nối với các huyện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên mong muốn, tỉnh tiếp tục quan tâm và tạo thêm nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn cho thành phố đẩy nhanh các dự án trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể là công tác quy hoạch, bố trí tái định cư, thủ tục giải phóng mặt bằng, bố trí vốn… cho các dự án trọng điểm. Hiện các dự án trọng điểm đều đang thu hút rất lớn sự quan tâm, kỳ vọng của người dân không chỉ của thành phố mà cả tỉnh. “TP.Biên Hòa sẽ tranh thủ và tận dụng tối đa các nguồn lực của tỉnh quan tâm đầu tư cho thành phố, sớm phát triển đô thị Biên Hòa có hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị hiện đại” - ông Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng với thế mạnh là chăn nuôi và cây công nghiệp, cây ăn trái. Do đó, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, hình thành các vùng liên kết sản xuất, chế biến nông nghiệp hàng hóa có giá trị gắn với thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chia sẻ: “Nông nghiệp của tỉnh sẽ hướng đến các mục tiêu là tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng giá trị, tăng thu nhập và vị thế của người nông dân trong nền sản xuất nông nghiệp. Quá trình phát triển nông nghiệp còn gắn chặt với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu”.

Bàn về hướng đi bền vững trong đầu tư cho nông nghiệp thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh bày tỏ trăn trở, nông nghiệp hiện có vai trò quan trọng nhưng phải giải quyết cho được nhiều phép toán khó. Đó là xây dựng nền nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và nhất định phải gắn với thị trường ổn định. Giải pháp cụ thể là phải hình thành các vùng chuyên canh lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp rút ngắn thời gian sản xuất nhưng lại cho năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn gắn với thị trường ổn định. “Chỉ giải quyết được những “phép toán” ở trên thì nông nghiệp Đồng Nai mới thoát được những câu chuyện cứ lặp đi lặp lại nhiều lần là giải cứu, được mùa mất giá, được giá mất mùa” - ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường: Cần phát huy vai trò người đứng đầu ngang tầm với nhiệm vụ

Đồng Nai đang đứng trước những mục tiêu mới, thời cơ mới nhưng cũng rất nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước, nhất là những ảnh hưởng trước mắt và có thể là lâu dài của dịch bệnh Covid-19. Do đó, cần phải đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từ đó mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu ngang tầm với nhiệm vụ mới, đó là những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều