"Cán bộ là gốc của mọi công việc...". Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ Đoàn TNCSHCM. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có cơ hội phấn đấu vươn lên.
“Cán bộ là gốc của mọi công việc...”. Đối với công tác Đoàn, cán bộ Đoàn là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của Đoàn.
Thông qua các hoạt động của Đoàn để phát hiện những nhân tố tích cực, đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ Đoàn. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham gia ngày hội tuổi trẻ sáng tạo do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: Nga Sơn (ảnh chụp ngày 15-11-2020) |
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ Đoàn TNCSHCM. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có cơ hội phấn đấu vươn lên.
* Cán bộ Đoàn được quan tâm
Chị Bùi Thị Nhàn, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết, năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 289-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCSHCM (gọi tắt là Quy chế cán bộ Đoàn) đã trở thành căn cứ, cơ sở quan trọng để tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Đoàn. Bên cạnh những nội dung liên quan đến quy định chung, nghĩa vụ và quyền của cán bộ Đoàn, công tác cán bộ Đoàn, quy chế cán bộ Đoàn còn đề ra những tiêu chuẩn cán bộ Đoàn. Với những tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ Đoàn các cấp, đội ngũ cán bộ Đoàn đã chủ động tham gia các lớp đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị của mình.
Vốn có niềm đam mê với công tác phong trào nên sau khi tốt nghiệp THPT, mặc dù có giấy báo trúng tuyển vào một trường cao đẳng nhưng chị Nguyễn Võ Ngọc Hòa (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) không đi học mà tham gia công tác Đoàn tại địa phương và được tín nhiệm bố trí nhiệm vụ Phó bí thư Đoàn xã. Chị Hòa cho biết, làm Phó bí thư Đoàn xã được một năm, chị nhận ra việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rất cần thiết trong quá trình phát triển bản thân. Từ năm 2015, chị bắt đầu học đại học luật từ xa, học trung cấp lý luận chính trị và chỉ sau 4 năm chị đã hoàn thành chương trình đào tạo.
Để giúp cán bộ Đoàn có cơ hội nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, Tỉnh đoàn đã ban hành đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2022; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Đồng thời, cử cán bộ Đoàn chuyên trách tham gia các lớp cập nhật kiến thức về công tác thanh vận, tuyên giáo, tổ chức - kiểm tra, xây dựng Đoàn - Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước... Từ năm 2010 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã cử gần 1,7 ngàn lượt cán bộ Đoàn đi đào tạo. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ Đoàn các địa phương, đơn vị từng bước được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh vấn đề chuẩn hóa cán bộ Đoàn, Quy chế cán bộ Đoàn cũng quy định độ tuổi của cán bộ Đoàn theo từng cấp, từng vị trí. Việc quy định độ tuổi giữ chức vụ là cơ sở để các cấp bộ Đoàn tham mưu cấp ủy trong công tác luân chuyển, bố trí cán bộ khi gần hết tuổi tham gia công tác Đoàn. Nhiều cán bộ Đoàn cơ sở có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng công tác... khi hết tuổi đã được luân chuyển, bố trí vào những vị trí xứng đáng.
* Vẫn khó tạo nguồn cán bộ Đoàn
Toàn tỉnh hiện có gần 200 ngàn đoàn viên và gần 370 ngàn thanh niên do các cơ sở Đoàn quản lý. Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, trong số đó, có không ít đoàn viên thanh niên nhiệt huyết, năng động, có tố chất làm “thủ lĩnh” thanh niên. Tuy nhiên, công tác cán bộ Đoàn đang gặp khó khăn, tại một số địa phương khuyết cán bộ Đoàn chuyên trách nhiều năm mà chưa được bổ sung làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Anh Phan Thế Công, Phó bí thư Huyện đoàn Tân Phú cho biết, theo quy định, Huyện đoàn Tân Phú có 5 biên chế. Nhưng nhiều năm nay Huyện đoàn luôn trong tình trạng khuyết biên chế. Hiện tại, Huyện đoàn chỉ có 3 biên chế gồm: 1 Phó bí thư phụ trách Huyện đoàn, 1 Phó bí thư và 1 chuyên viên. Khuyết biên chế, anh em cán bộ Đoàn phải “gồng gánh” rất nhiều lĩnh vực làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện. Theo anh Công, việc Huyện đoàn không tuyển được công chức một phần là bởi những năm gần đây không tổ chức thi tuyển công chức. Bên cạnh đó, công chức ở các ban, ngành người muốn làm Đoàn thì quá tuổi, người trong độ tuổi lại không muốn làm công tác Đoàn. Trong khi đó, Huyện đoàn không thể rút Bí thư Đoàn xã bởi theo quy định Bí thư Đoàn xã phải là chuyên trách cấp xã đủ 60 tháng và không quá 30 tuổi mới được xét mà thông thường đối tượng đủ 60 tháng lại quá tuổi quy định.
Huyện đoàn Xuân Lộc cũng đang trong tình trạng khuyết biên chế. Hiện Huyện đoàn có 3/5 biên chế nhưng một biên chế đang nghỉ thai sản nên số biên chế thực làm hiện tại chỉ còn 2. Anh Nguyễn Thiện Bình, Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc chia sẻ, 2 biên chế không thể đảm đương hết khối lượng công việc, không còn cách nào khác anh đã kiến nghị Huyện ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT huyện làm việc với một số trường tạo điều kiện giáo viên tổng phụ trách hỗ trợ công tác của Huyện đoàn theo dạng biệt phái.
Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn, tình trạng khuyết cán bộ Đoàn không chỉ diễn ra ở cấp huyện mà còn xảy ra ở một số xã. Nguyên nhân là do các quy định tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ đối với cán bộ Đoàn cấp xã hiện nay đang kéo theo những khó khăn nhất định cho công tác tạo nguồn cán bộ Đoàn. Chẳng hạn theo Quy chế cán bộ Đoàn, cán bộ Đoàn xã phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp, trình độ chính trị sơ cấp trở lên... Trong thực tế, đoàn viên thanh niên có trình độ đa phần đã rời khỏi địa phương hoặc làm công việc khác; một số khác có trình độ ở tại địa phương thì không thích làm công tác Đoàn vì vất vả, chế độ đãi ngộ thấp, “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi không ổn định...
Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, khó khăn trong tạo nguồn cán bộ Đoàn còn bởi một số đơn vị chưa chủ động trong công tác tìm kiếm nhân sự quy hoạch; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn được quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức...
* Không để “nước đến chân mới nhảy”
Tỉnh đoàn luôn xác định công tác tạo nguồn cán bộ Đoàn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Để công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ Đoàn các cấp đạt hiệu quả, theo chị Bùi Thị Nhàn, các cấp bộ Đoàn cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ Đoàn. Từ đó thường xuyên rà soát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ Đoàn định kỳ hằng năm theo nguyên tắc “động” và “mở”, không để “nước đến chân mới nhảy”. Nguồn cán bộ Đoàn cần phải chia làm hai đối tượng là trực tiếp trước mắt và kế cận gián tiếp.
Theo đó, đối tượng quy hoạch có thể xem xét đưa vào nguồn quy hoạch các đối tượng như: cán bộ trẻ đang công tác trong các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp và các đơn vị khác tại địa phương; ban chấp hành các chi đoàn trực thuộc; sinh viên trên địa bàn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh; quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đoàn viên ưu tú trong phong trào của Đoàn, trải qua thực tiễn tại cơ sở, có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực làm công tác thanh thiếu niên...
Sau khi phát hiện đưa vào quy hoạch, các cấp bộ Đoàn cần tham mưu cấp ủy các cấp tổ chức các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị cho các cá nhân trong quy hoạch; tham mưu với cấp ủy tạo điều kiện để những cá nhân trong quy hoạch chưa đủ chuẩn tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho công tác bổ nhiệm khi cần. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, cần phải có cơ chế, chính sách ràng buộc để các cá nhân được cử đi đào tạo sau khi tốt nghiệp trở về đóng góp cho địa phương.
Bên cạnh công tác phát hiện, đưa vào quy hoạch, anh Nguyễn Minh Kiên, Bí thư Thành đoàn Long Khánh cho rằng, cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ Đoàn đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm giải quyết tốt vấn đề “đầu ra” khi hết tuổi.
Tại TP.Long Khánh, hằng năm, Thành đoàn đều chỉ đạo các cơ sở Đoàn thực hiện tốt công tác quy hoạch, đưa đi đào tạo trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ dự nguồn có đầy đủ trình độ, năng lực đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ mới. Chuẩn về trình độ, năng lực đã giúp cho đội ngũ cán bộ Đoàn có được sự tín nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở. Bên cạnh đội ngũ cán bộ Đoàn đương nhiệm, Thành đoàn cũng luôn đôn đốc, chỉ đạo cơ sở hằng năm đều phải bổ sung quy hoạch dự nguồn đối với mỗi chức danh chủ chốt từ 2-3 người, trong đó ưu tiên quy hoạch đối với những cá nhân trẻ tuổi, có năng lực và đặc biệt là đã từng trải qua thực hiện công tác Đoàn ở cơ sở, góp phần đảm bảo nguồn cán bộ Đoàn kế cận.
Trước khó khăn do không bổ sung được nguồn cán bộ Đoàn chuyên trách, anh Phan Thế Công, Phó bí thư Huyện đoàn Tân Phú đề xuất cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tạo điều kiện cho Đoàn có cơ chế riêng. Chẳng hạn như chấp thuận cho Đoàn được tuyển dụng biên chế thông qua kỳ thi tuyển công chức do Trung ương Đoàn tổ chức; điều chuyển công chức đang công tác tại các ngành, đoàn thể về làm công tác Đoàn hoặc tạo điều kiện để Đoàn hợp đồng thêm cán bộ làm thời vụ... |
Nga Sơn