Kể từ năm 1948, Ngày quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được tổ chức vào 29-5 hằng năm nhằm tôn vinh, ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến, lòng dũng cảm của những người lính GGHB phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, gian khổ.
Ngày quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ được tổ chức vào ngày 29-5 hằng năm kể từ năm 1948, nhằm tôn vinh, ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến, lòng dũng cảm của những người lính GGHB phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, gian khổ.
Bộ Quốc phòng trao bằng khen cho cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của Bệnh viện Dã chiến 2.1. Ảnh: N.Hà |
Gần 7 năm tham gia lực lượng GGHB LHQ, Cục GGHB Việt Nam đã kế thừa xứng đáng truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, có nhiều đóng góp tích cực được LHQ và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Qua đó, góp phần tạo nên vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có duy trì một nền hòa bình bền vững.
* Bước tiến quan trọng…
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết, năm 2014, Việt Nam cử 2 sĩ quan đầu tiên làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan. Đến nay, đã có 55 sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự… tại phái bộ. “Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam có 3 sĩ quan trúng tuyển vào làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở LHQ tại Hoa Kỳ với quy trình ứng thi vào các vị trí tại trụ sở LHQ vô cùng nghiêm ngặt. Việc nước ta có 3 sĩ quan làm việc tại trụ sở LHQ, trực tiếp tham gia công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch hoạt động tại các phái bộ GGHB của LHQ là bước tiến quan trọng” - thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, năm 2018, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (2.1) lên đường làm nhiệm vụ GGHB tại Bentiu (Nam Sudan). Hiện nay, 189 cán bộ, y, bác sĩ các bệnh viện dã chiến 2.1, 2.2, 2.3 đi thực hiện nhiệm vụ GGHB, trong đó các bệnh viện dã chiến 2.1, 2.2 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về nước an toàn, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Qua đó, góp phần nâng vị thế, uy tín Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đóng góp vào thành công của Việt Nam trong ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Đến nay, Việt Nam đã ký 9 bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác GGHB LHQ với các nước đối tác, 1 MOU với LHQ và 1 MOU với Liên minh châu Âu. |
Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 2.1 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về nước cuối năm 2019 cho biết, Bệnh viện Dã chiến 2.1 là lực lượng GGHB cấp đơn vị đầu tiên của Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ GGHB LHQ. Tại Nam Sudan, trong điều kiện vô cùng khó khăn, khắc nghiệt và các tiêu chuẩn, quy trình nghiêm ngặt của LHQ, cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện đã nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thích nghi với điều kiện làm việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Chúng tôi được triển khai nhiệm vụ tại Khu căn cứ Bentiu, Nam Sudan, gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, khí hậu. Tại đó, thời tiết ban ngày có lúc lên đến 50-510C, ban đêm 120C. Khí hậu như một vùng bán sa mạc nhưng anh, chị em luôn cố gắng thích nghi. Với riêng tôi, đây là khoảng thời gian đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời quân ngũ” - trung tá Bùi Đức Thành kể lại.
Trung úy Sa Minh Ngọc, nữ quân nhân trẻ tham gia Bệnh viện Dã chiến 2.1 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước chia sẻ: “Cảm giác của tôi cũng như các anh, chị trong đoàn đều thấy hạnh phúc khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao dù gặp không ít khó khăn, vất vả. Tại khu vực của LHQ, các hoạt động trực ban, trực gác, tiếp nhận bệnh nhân, khám chữa bệnh… đòi hỏi ngoài chuyên môn phải thật vững vàng còn cần cả kinh nghiệm sống. Nhiệm vụ của chúng tôi là khám chữa bệnh cho nhân viên LHQ nhưng có lúc chúng tôi khám bệnh cho cả những người dân trong trại tị nạn gần nơi đóng quân. Họ rất tin tưởng vào bác sĩ Việt Nam”…
Ngoài những giờ làm việc, trung úy Sa Minh Ngọc cùng đồng đội hướng dẫn người dân Bentiu trồng rau, làm vườn; dạy học cho trẻ em nghèo; tham gia các hoạt động thiện nguyện… được đánh giá cao.
Với những cố gắng không thua kém các đồng đội nam, trung úy Sa Minh Ngọc được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen trong đợt công tác này.
Thượng úy Lê Thành Trung, kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện dã chiến 2.1 cho hay, phải làm việc trong môi trường hoàn toàn lạ lẫm, điều kiện còn nhiều thiếu thốn song những lá thư cảm ơn, những nụ cười của người dân tị nạn ở đất nước Nam Sudan đã giúp anh cùng đồng đội vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. “Chúng tôi mong anh em Bệnh viện dã chiến 2.3 vừa lên đường sang Nam Sudan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quân đội nói riêng và Việt Nam trên trường quốc tế”- thượng úy Lê Thành Trung nói.
* Góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện
Phát biểu trong lễ tiễn cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến 2.3 lên đường làm nhiệm vụ mới đây, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, việc quân đội tiếp tục đẩy mạnh tham gia các hoạt động GGHB LHQ là hành động thiết thực góp phần quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh: “Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc tham gia các hoạt động GGHB LHQ của quân đội nhằm phục vụ các mục tiêu đối ngoại quốc phòng mà cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc. Qua đó, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các nước và đối tác, nhất là các nước có tiềm năng, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế”.
Cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ của Việt Nam tham gia GGHB LHQ được đánh giá rất cao, được trao tặng nhiều phần thưởng xứng đáng. Trung bình mỗi bệnh viện dã chiến các nước hoạt động GGHB chỉ khám điều trị khoảng 1 ngàn bệnh nhân trong nhiệm kỳ, nhưng bệnh viện dã chiến 2.1 và 2.2 của Việt Nam đều khám, điều trị từ 1,8-2,1 ngàn bệnh nhân, đều được tin tưởng, đánh giá cao... góp phần để cờ đỏ sao vàng Việt Nam được tung bay trên bản đồ GGHB LHQ. |
Những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ bệnh viện dã chiến 2.1, 2.2 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về nước không bao giờ quên được những ngày tháng ở một vùng đất vẫn còn chiến sự, vẫn còn giao tranh. Và ở đó, bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được tỏa sáng, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo trung tá Võ Văn Hiển, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 2.2, suốt nhiệm kỳ gần 18 tháng (kéo dài gần 6 tháng do tình hình đại dịch Covid-19), bệnh viện đã khám và điều trị cho gần 2 ngàn bệnh nhân, xử lý thành công nhiều ca cấp cứu phức tạp, yêu cầu đòi hỏi chuyên môn cao. “Điều chúng tôi yên tâm nhất là mọi ca bệnh đều được xử trí an toàn, theo đúng quy định, quy trình khắt khe của LHQ. Chúng tôi rất xúc động khi nhận được nhiều thư khen, thư cảm ơn của các bệnh nhân”- trung tá Võ Văn Hiển nói.
Những thành quả của bệnh viện dã chiến 2.1, 2.2 đã tiếp thêm động lực để cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến 2.3 lên đường phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GGHB tại LHQ.
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 2.3 chia sẻ, kế thừa thành công của các anh chị đi trước, Bệnh viện Dã chiến 2.3 vừa đến Nam Sudan đã khắc phục tốt khó khăn, nhanh chóng ổn định, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt ngày 2-5, bệnh viện đã vận chuyển thành công ca cấp cứu MEDEVAC (vận chuyển y tế bằng máy bay trực thăng) đưa an toàn một quân nhân nước ngoài đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan bị đột quỵ lên tuyến trên điều trị, bệnh nhân ổn định, bàn giao an toàn.
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa cho biết thêm, Bệnh viện Dã chiến 2.3 có 63 cán bộ, nhân viên được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập vào tháng 3-2020 nhằm thay thế Bệnh viện Dã chiến 2.2 hoàn thành nhiệm vụ vào tháng 3-2021. Hiện bệnh viện mới chỉ hoạt động với 50% quân số, bởi 50% còn lại đang cách ly ở thủ đô Juba, dự kiến sẽ hoạt động sau khi hoàn thành cách ly theo quy định.
Chia tay con trai mới 3 tuổi để lên đường đi làm nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan, trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thùy Dương, Khoa Dược Bệnh viện Quân y 7B (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi thực sự rất vui khi trúng tuyển thực hiện nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan. Con còn nhỏ cũng thấy băn khoăn nhưng may mắn tôi được cha mẹ và chồng hỗ trợ nên sẽ cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Nguyệt Hà