Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu ủy miền Đông Nam bộ - vai trò, vị trí trong cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước

03:02, 26/02/2021

Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì công tác tổ chức chiến trường và tổ chức bộ máy lãnh đạo kháng chiến có một ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt với miền Đông Nam bộ, một chiến trường trọng điểm, nơi đặt các cơ quan quân sự, chính trị đầu não của kẻ thù, trong đó có Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền Sài Gòn dưới sự viện trợ tích cực của Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

ThS Trần Quang Toại- Chủ tịch Hội Sử học Đồng Nai

Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì công tác tổ chức chiến trường và tổ chức bộ máy lãnh đạo kháng chiến có một ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt với miền Đông Nam bộ, một chiến trường trọng điểm, nơi đặt các cơ quan quân sự, chính trị đầu não của kẻ thù, trong đó có Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền Sài Gòn dưới sự viện trợ tích cực của Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Lãnh đạo tỉnh tham quan sa bàn Khu ủy miền Đông
Lãnh đạo tỉnh tham quan sa bàn Khu ủy miền Đông. Ảnh:H. Anh

Sau tháng 7-1954, khi nhân dân miền Nam tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, miền Đông Nam bộ gồm các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An, Chợ Lớn, Gia Định. Từ năm 1957, còn thêm các tỉnh: Phước Thành, Bình Long, Phước Long, Long Khánh (do chính quyền Sài Gòn thành lập). Để lãnh đạo phong trào kháng chiến của nhân dân các tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, Xứ ủy thành lập tổ chức Đảng gọi là Liên Tỉnh ủy miền Đông, chọn Chiến khu Đ làm căn cứ đứng chân lãnh đạo.

Đến tháng 2-1961, sau khi phong trào Đồng Khởi từ Bến Tre lan rộng cả miền Nam, Liên Tỉnh ủy miền Đông đổi thành Khu ủy miền Đông Nam bộ (phiên hiệu T1). Căn cứ Khu ủy miền Đông được xây dựng tại Chiến khu Đ (còn gọi là khu A). Từ đó, Khu ủy miền Đông luôn đi liền với Chiến khu Đ và trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi không chỉ lãnh đạo mà còn là căn cứ đào tạo huấn luyện đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự và tấn công kẻ thù. 

Như vậy có thể nói, sự kiện thành lập Khu miền Đông và Khu ủy miền Đông Nam bộ trước hết là sự tiếp nối của một tổ chức (Liên Tỉnh ủy miền Đông), một nhiệm vụ (lãnh đạo kháng chiến ở miền Đông), một mục tiêu mà Đảng ta đã xác định là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Khu ủy miền Đông ra đời là để đáp ứng nhiệm vụ kháng chiến của quân dân ở miền Đông Nam bộ trong tình hình mới: Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ XV (Khóa II) kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để kháng chiến; kịp thời với việc sau thất bại trong cuộc “chiến tranh một phía”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn chuẩn bị chuyển sang chiến lược bình định miền Nam, đến năm 1962 chuyển thành “chiến tranh đặc biệt”.

* Khu ủy miền Đông hoàn thành nhiệm vụ và vai trò lãnh đạo

Nhiệm vụ chung của Khu ủy do Ban chấp hành Trung ương, Trung ương Cục miền Nam giao cho là lãnh đạo toàn diện và đồng bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Đông trong mối tương quan với cuộc kháng chiến toàn miền Nam. Trên cơ sở những nhiệm vụ này, trong suốt những năm tháng từ khi thành lập đến khi kết thúc cuộc kháng chiến (1961-1975), trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng, Khu ủy miền Đông Nam bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ, quân dân miền Đông giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, cùng với toàn miền đi đến thắng lợi cuối cùng.

1/ Trong từng giai đoạn chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn (chiến lược một phía, các chiến lược đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa), Khu ủy triển khai quán triệt đường lối chiến lược với hai mục tiêu chiến lược (Nam - Bắc) của Trung ương, Trung ương Cục miền Nam, từ đó đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao cho, đánh bại các chiến lược, chiến thuật của Mỹ và chế độ Sài Gòn trên chiến trường; xây dựng phát triển cơ sở cách mạng, phát triển chiến tranh nhân dân trên chiến trường miền Đông; mở rộng Mặt trận đoàn kết toàn dân trong khu miền Đông để tập hợp lực lượng đấu tranh.

2/ Khu ủy xây dựng tổ chức thành công hệ thống thông tin liên lạc giữa các ban, ngành của Khu ủy trong căn cứ và các tỉnh trực thuộc ở miền Đông, với Trung ương Cục và Trung ương; đặc biệt chỉ đạo nối thông đường từ miền Bắc vượt dãy Trường Sơn vào miền Đông (Chiến khu Đ) góp phần hình thành đường chiến lược Hồ Chí Minh trên bộ, tiếp nhận sự chi viện của Trung ương từ hậu phương vào chiến trường miền Nam, cả về nhân lực và thiết bị quân sự.

3/ Khu ủy miền Đông quy hoạch, chỉ đạo xây dựng các căn cứ Chiến khu Đ và căn cứ vệ tinh (như Long Nguyên, Minh Đạm, Rừng Sác…) hình thành hệ thống căn cứ kháng chiến, góp phần hình thành hệ thống hậu cần chiến lược tại chỗ đảm bảo cho các lực lượng tác chiến trên chiến trường; lãnh đạo chỉ đạo việc chống địch những cuộc hành quân đánh phá bảo vệ Chiến khu Đ an toàn.

4/ Khu ủy miền Đông lãnh đạo trực tiếp trong việc trinh sát đường biển từ Bà Rịa ra miền bắc, hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển từ bến Lộc An (H.Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa) ra miền Bắc (năm 1962); hình thành Đoàn 1500 (do một Phó bí thư Khu ủy làm Trưởng ban); xây dựng Liên đội Thanh niên Xung phong miền Đông phối hợp việc tiếp nhận 4 “chuyến tàu không số” chuyển hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh các loại từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, miền Đông từ cảng Lộc An về Chiến khu Đ an toàn, phục vụ kịp thời chiến dịch Bình Giã toàn thắng (từ ngày 2-12-1964 đến ngày 3-1-1965) và các chiến dịch lớn sau này.

5/ Lãnh đạo hình thành tổ chức bộ máy lãnh đạo kháng chiến ở các địa phương miền Đông Nam bộ, với các lực lượng vũ trang làm nòng cốt để xây dựng và phát triển phong trào “chiến tranh nhân dân” toàn miền Đông, đánh bại các chiến lược, chiến thuật và âm mưu của kẻ thù.

Đồng thời, Khu ủy lãnh đạo tổ chức trường Đảng, các trường nghiệp vụ của Khu trong chiến khu Đ để đào tạo cán bộ chính trị, binh vận, dân vận, văn hóa nghệ thuật…cho cán bộ các ban của Khu và tỉnh trực thuộc miền Đông (kể cả cán bộ hoạt động bí mật trong các đô thị địch tạm chiếm); giúp cho cán bộ miền Đông giữ vững tinh thần, ý chí chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh.

6/ Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, tháng 7-1967, Khu ủy tạm thời giải thể để bố trí lại chiến trường, phân công cán bộ lãnh đạo, chính trị, an binh, quân sự… tăng cường cho các phân khu để hình thành các mũi tiến công vào các đô thị của địch ở miền Đông Nam bộ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch, buộc Mỹ phải xuống thang, từng bước rút quân khỏi miền Nam để thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” và ngồi vào bàn hòa đàm Paris.

7/ Tháng 8-1972, các phân khu giải thể, khu miền Đông tái lập, Khu ủy miền Đông hình thành lại đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:

- Mở chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông (tháng 3-1972) giành lại những vùng làm chủ, giải phóng trước đó, phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao  của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang vào giai đoạn kết thúc ở hòa đàm Paris.

- Tháng 10-1973, Khu ủy miền Đông lãnh đạo xây dựng tỉnh căn cứ Tân Phú mở hành lang phía đông, chuẩn bị bàn đạp, phát triển hậu cần cho chủ lực Miền (Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4) tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng, căn cứ. Đồng thời, Khu ủy chỉ đạo các lực lượng vũ trang miền Đông cùng phối hợp trong chiến cuộc mùa khô 1974-1975 với Chiến dịch đường 14 - Phước Long, đòn “trinh sát chiến lược” để Trung ương thêm thực tiễn nhận định, đánh giá tình hình, khả năng của Mỹ - ngụy, mở chiến dịch Tây Nguyên và quyết định giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4-1975 khi thời cơ tới.

Trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, Khu ủy miền Đông lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận tiến công địch giải phóng quốc lộ 20, vùng ven TX.Long Khánh, tạo điều kiện để Quân đoàn 4, mở chiến dịch Xuân Lộc giải phóng TX.Long Khánh, đập tan “cánh cửa thép” phòng thủ cuối cùng của chế độ Sài Gòn ở phía Đông; lãnh đạo các lực lượng vũ trang, chính trị các địa phương miền Đông cùng các Quân đoàn 2 và 4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ ngày 26-4-1975 đến ngày 30-4-1975) tiến tới giải phóng Sài Gòn, giải phóng toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

* Khu ủy miền Đông, Căn cứ khu ủy miền Đông mãi là niềm tự hào của các Đảng bộ và quân dân miền Đông

Từ chiến khu Đ (trong kháng chiến chống thực dân Pháp) đến Chiến khu A (trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước); từ Liên Tỉnh ủy miền Đông đến Khu ủy miền Đông là một quá trình Đảng ta vận dụng sáng tạo học thuyết chính trị, quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền thống đấu tranh chống xâm lược của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tổ chức lãnh đạo chiến tranh ở miền Đông (Khu ủy miền Đông) gắn liền với căn cứ địa kháng chiến (Căn cứ Khu ủy  miền Đông, Chiến khu Đ).

Lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đường lối “chiến tranh nhân dân” toàn dân toàn diện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Khu ủy miền Đông thể hiện sự thống nhất, đoàn kết trong Khu ủy và mở rộng đoàn kết toàn dân… cho thấy Khu ủy miền Đông luôn nắm chắc và vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, quan điểm tiến công cách mạng, nghệ thuật đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận cả ở vùng căn cứ kháng chiến, đồng bằng nông thôn và đô thị. Từ đó tập hợp được lực lượng chính trị, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, vượt mọi khó khăn gian khổ trong kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Những chiến công của quân dân miền Đông Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Khu ủy miền Đông là niềm tự hào để chúng ta thêm tin vào đường lối, quan điểm mục tiêu mà Đảng đã khẳng định trong Đại hội toàn quốc lần thứ XIII: Đoàn kết, năng động, sáng tạo, hội nhập phát triển, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

T.Q.T

Tin xem nhiều