Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thành quả từ nỗ lực vượt khó

12:12, 03/12/2020

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối để phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm: 2016-2020.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa VIII về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2016-2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì kỳ họp. Ảnh: Công Nghĩa
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chủ trì kỳ họp. Ảnh: Công Nghĩa

[links()]Theo lãnh đạo UBND tỉnh, dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì sự phát triển và dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây chính là kết quả của những nỗ lực vượt khó, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.  

* Nỗ lực vượt khó

Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa IX đang diễn ra đến hết ngày 4-12, thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giải pháp cho năm 2021, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo cho biết, sau Tết Nguyên đán 2020, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt và đồng bộ kế hoạch duy trì phòng, chống dịch đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dù bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi tình hình dịch bệnh nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Tuy kết quả phát triển không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cụ thể, GRDP tăng 4,58% (mục tiêu nghị quyết 8-9%), thu nhập bình quân đầu người đạt 4.980 USD (mục tiêu nghị quyết 5.300 USD). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,2%, trong đó ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 182 ngàn tỷ đồng (tăng 5,5% so với cùng kỳ).

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, dù GRDP của tỉnh năm 2019 không đạt được như mục tiêu đề ra nhưng điều đáng mừng là tổng thu ngân sách trên địa bàn dự ước đạt 54.203 tỷ đồng, đạt 102% dự toán được giao đầu năm (vượt mục tiêu nghị quyết). Theo báo cáo phân tích của ngành Tài chính, sau những năm thu ngân sách gặp khó khăn, thì năm 2020 kết quả thu đã vượt chỉ tiêu đề ra, dù bị tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19. Có được kết quả là do UBND tỉnh đã dự đoán đúng tình hình, quyết liệt đưa ra các giải pháp đảm bảo các nguồn thu, trong đó các ngành như Thuế và Hải quan đã thực hiện triệt để công tác thu ngay từ đầu năm, không còn tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả.

Một điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra cho cả năm. Theo Sở KH-ĐT, tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 đạt trên 93.050 tỷ đồng (mục tiêu 90-91 ngàn tỷ đồng). Lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Các sở, ngành như: KH-ĐT, Thuế, Hải quan, TN-MT đã tăng cường đối thoại để tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu tham dự khai mạc kỳ họp
Các đại biểu tham dự khai mạc kỳ họp

Theo Sở KH-ĐT, đến nay thu hút đầu tư trong nước năm 2020 đã đạt 29 ngàn tỷ đồng, đạt 290% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,2 tỷ USD, đạt 120% so với kế hoạch năm, bằng 52% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 19 tỷ USD, giảm 2,27% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7 tỷ USD, giảm 6,91% so với năm 2019. Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế, đó là năm 2020 Đồng Nai vẫn ghi nhận mức xuất siêu khá lớn, với giá trị khoảng 4,3 tỷ USD.

* “Không để ai ở lại phía sau”

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, đứng trước khó khăn của dịch bệnh và những tác động của kinh tế thế giới, Đồng Nai đã nỗ lực tối đa để có thể đạt được kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế. Sau các đợt dịch Covid-19, tỉnh lập tức ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không chỉ đứng vững trong đại dịch mà còn phải tiếp tục phát triển. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.458 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với số tiền 4.150 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.225 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, với số tiền thuế được gia hạn là 852 tỷ đồng.

Đối với công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dù công tác thống kê ảnh hưởng thiệt hại gặp khó khăn nhưng UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ kịp thời trên 130 ngàn người (đạt tỷ lệ 95,76%) với số tiền 160,4 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh đánh giá: “Đồng Nai đã thực hiện tương đối tốt công tác hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần “Không để ai ở lại phía sau” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Năm 2020, Đồng Nai tiếp tục là tâm điểm của nhiều dự án trọng điểm tầm cỡ quốc gia. Một trong những dự án đó là việc thu hồi và bàn giao đất sạch để chuẩn bị thực hiện công tác khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau rất nhiều nỗ lực ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, đến nay Đồng Nai đã hoàn thành cam kết với Thủ tướng Chính phủ về bàn giao mặt bằng phục vụ khởi công dự án vào đầu năm 2021. Theo báo cáo của Sở TN-MT, đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã bàn giao khoảng 2.500ha, trong đó có 1.810ha để khởi công xây dựng giai đoạn 1 dự án vào đầu năm 2021 theo đúng tiến độ cam kết.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, năm 2020, Đồng Nai tiếp tục là tỉnh đi đầu với những kết quả rất đáng phấn khởi. Tỉnh đã thường xuyên họp Ban chỉ đạo, đi kiểm tra và làm việc trực tiếp với cấp ủy và chính quyền các địa phương liên quan đến công tác này. Nhiều địa phương đã được tỉnh hỗ trợ kịp thời kinh phí để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến trong năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra (mục tiêu nghị quyết có từ 5-7 xã), đồng thời có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra (mục tiêu nghị quyết là 1 xã).

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, năm 2020 được đánh giá là năm áp lực chưa từng có với ngành Y tế khi dịch Covid-19 bùng phát và gây hoang mang lo lắng cho người dân. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành đã chủ động các giải pháp, nhất là về nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, khoanh vùng dập dịch kịp thời. Đến nay, Đồng Nai mới chỉ ghi nhận 3 trường hợp mắc Covid-19, công tác phòng chống dịch đã có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội.

* Tìm giải pháp cho năm 2021

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa IX có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là kỳ họp cuối cùng của năm 2020 mà còn là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và tìm các giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Các giải pháp này sẽ quyết định đến thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tỉnh đã có những giải pháp trọng tâm, đó là: thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính. Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế thân thiện môi trường, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ số. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng; tổ chức điều hành ngân sách chặt chẽ, đảm bảo cơ cấu nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư công; nâng cao chất lượng tín dụng.

Nhiệm vụ rất quan trọng là cần thực hiện tái cơ cấu kinh tế và các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cần thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tập trung phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Doanh nghiệp chính là động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, do đó việc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, tiếp tục tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển cũng đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Theo đó, năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội gắn với bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển nhà ở xã hội, đồng thời tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhiều giải pháp khác cũng được UBND tỉnh đưa ra thảo luận tại kỳ họp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đó là: tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sắp xếp và tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh...

Một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trọng tâm năm 2021

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng từ 8,5% trở lên so với năm 2020.

- GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 131,1 triệu đồng/người.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1-8,5% so với năm 2020.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 100,3 ngàn tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.

- Phấn đấu trong năm 2021 có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều