15 năm công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (H.Trảng Bom), cô giáo Bùi Thị Vi Vân (dân tộc Mường), giáo viên dạy môn Toán luôn được các thế hệ học sinh dành tình cảm đặc biệt.
15 năm công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (H.Trảng Bom), cô giáo Bùi Thị Vi Vân (dân tộc Mường), giáo viên dạy môn Toán luôn được các thế hệ học sinh dành tình cảm đặc biệt.
Cô Bùi Thị Vi Vân (bìa trái) trò chuyện với các đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II-2020. Ảnh: Nga Sơn |
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, giúp học sinh tiến bộ mà cô còn luôn quan tâm, lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ... giống như người mẹ thứ hai của các em lúc xa nhà.
* Chọn nghề giáo để trả ơn đời
Cô Vân chia sẻ, từ khi còn là học sinh tiểu học, cô đã có ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Năm học lớp 9, cô được gia đình cho học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh - nơi cô đang công tác hiện nay.
Những ngày đầu ở trường, một cô bé mới lớn như cô đã có lúc bật khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ những bữa cơm cả gia đình quây quần, vừa ăn, vừa kể cho nhau nghe chuyện học hành, công việc... Lúc ấy, chính sự quan tâm, động viên, an ủi của các cô giáo đã giúp Vân nguôi ngoai và tiếp tục con đường chinh phục tri thức.
Theo lời kể của cô Vân, các cô giáo không chỉ quan tâm, động viên giúp học sinh vượt qua giai đoạn đầu xa nhà mà suốt khoảng thời gian học tập tại trường, lúc nào các thầy, cô giáo cũng gần gũi, chia sẻ, động viên và lắng nghe những tâm tư, tình cảm của các chàng trai, cô gái mới lớn. Chính những điều bình thường, giản dị mà cô nhận được từ các thầy cô ở trường nội trú đã giúp cô có thêm động lực trở thành cô giáo thay cho ước mơ làm bác sĩ từ tấm bé.
Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Vân thi đậu vào ngành sư phạm Toán Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Quá trình học đại học, ngoài việc nỗ lực học tập để tiếp thu tất cả các kiến thức trên giảng đường, cô Vân còn tự nghiên cứu, tự học để nâng cao kiến thức, đi dạy thêm để có cơ hội rèn luyện kỹ năng giảng dạy. Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô đã dự định sau khi tốt nghiệp sẽ trở về làm giáo viên tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh để được giảng dạy, được quan tâm, chăm sóc học sinh giống như cách mà các thầy cô giáo ở ngôi trường này nhiều năm trước đã dành cho mình.
Năm 2014, Vân tốt nghiệp ra trường, nhà trường lại không có nhu cầu tuyển giáo viên, nhưng cô quyết không bỏ cuộc. Cô xin đi dạy ở một trường tư thục để chờ đợi cơ hội về công tác tại trường. Sau 1 năm, may mắn cũng mỉm cười, cô được tuyển vào làm giáo viên dạy môn Toán tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Sau này khi kết hôn được một thời gian, chồng muốn cô chuyển về TP.Biên Hòa công tác cho gần nhà nhưng vì muốn gắn bó với ngôi trường này mà cô thuyết phục chồng từ bỏ ý định chuyển công tác.
* Đổi mới, sáng tạo vì học trò
15 năm đứng lớp truyền đạt kiến thức môn Toán, cô Vân luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho các em trong quá trình học.
Trong mỗi tiết học, cô cố gắng tổ chức sao cho nhẹ nhàng, thoải mái nhất. Cô tập trung truyền đạt để học sinh nắm được kiến thức cơ bản nhất, thời gian còn lại cô cùng với học sinh làm một số bài tập liên quan đến kiến thức vừa học. Đối với những học sinh bị hổng kiến thức cơ bản từ lớp dưới và luôn có cảm giác lo lắng mỗi khi nhắc đến môn Toán, cô sẽ dành thời gian để bổ trợ kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, cô luôn quan tâm, trò chuyện, kể cho học sinh nghe những câu chuyện về những tấm gương học sinh đã từng mất căn bản, đã từng sợ hãi môn Toán nỗ lực tìm lại niềm vui với môn Toán học. Từ những câu chuyện này giúp cho học sinh vượt qua nỗi sợ với môn Toán, cảm thấy thoải mái, tự tin hơn trong quá trình tìm lại kiến thức cơ bản.
Không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy, cô còn có những sáng kiến trong chuyên môn như: sáng kiến hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính casio để giải toán nhanh trong quá trình thi trắc nghiệm; ứng dụng phương pháp tọa độ vector trong chứng minh bất đẳng thức; sáng kiến phụ đạo cho học sinh yếu kém giúp các em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT...
Bên cạnh những sáng kiến trong chuyên môn, cô còn có sáng kiến trong công tác chủ nhiệm ở trường phổ thông dân tộc nội trú. Theo cô Vân, nhiệm vụ của giáo viên ở trường nội trú không chỉ là truyền đạt kiến thức cho học sinh ở trên lớp mà còn như một quản sinh - thường xuyên trực để quán xuyến, nhắc nhở các em học bài vào buổi tối; giữ gìn vệ sinh nơi ở... Và đặc biệt, với lứa tuổi học sinh THPT, các thầy, cô giáo ở trường nội trú, nhất là giáo viên chủ nhiệm còn phải thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em để kịp thời định hướng.
Cô Vân cho rằng, học sinh sẽ không thể phát triển toàn diện nếu thiếu đi sự quan tâm, giáo dục từ phía gia đình. Trong cuộc họp, cô sẽ để cả phụ huynh và học sinh cùng nghe những lời nhận xét từ phía giáo viên để bản thân các em và phụ huynh đều biết và cùng phối hợp để khắc phục. Điểm đặc biệt mà cô Vân cho là mấu chốt trong công tác chủ nhiệm chính là thái độ của giáo viên. Nếu giáo viên đối xử với học sinh một cách chân thành, bao dung thì các em sẽ tin tưởng và coi giáo viên như người mẹ thứ hai, sẵn sàng mở lòng chia sẻ những tâm tư, tình cảm, thậm chí là cả những điều khó nói. Và đó sẽ là cơ sở để giáo viên định hướng cho các em con đường đi đúng đắn.
Cô Bùi Thị Vi Vân là một trong 17 đại biểu chính thức đại diện cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiếu số Việt Nam lần thứ II-2020 diễn ra tại Hà Nội. |
Nga Sơn