Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đi đầu trong phát triển kinh tế

04:09, 18/09/2020

Trong giai đoạn 2015-2020, Đồng Nai vẫn là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế với GRDP tăng bình quân 8,12%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực..., đúng định hướng nghị quyết.

Trong giai đoạn 2015-2020, Đồng Nai vẫn là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế với GRDP tăng bình quân 8,12%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, ngành dịch vụ và giảm ngành nông nghiệp, đúng định hướng nghị quyết.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường (giữa) thăm gian hàng của các doanh nghiệp tại Đồng Nai. Ảnh:K. Minh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường (giữa) thăm gian hàng của các doanh nghiệp tại Đồng Nai. Ảnh:K. Minh

Đến năm 2020, quy mô GRDP của Đồng Nai đạt gần 400 ngàn tỷ đồng (tương đương 17,2 tỷ USD), gấp 1,7 lần so với năm 2015. Có được mức tăng trưởng trên là do tỉnh áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế theo xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh và quản lý.

* Thủ phủ của ngành công nghiệp

Giai đoạn 2015-2020, Đồng Nai xác định công nghiệp là ngành phát triển chính, vì thế tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Kết quả Đồng Nai trở thành nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, góp phần tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao hơn bình quân chung cả nước trên 1%/năm.

Tỉnh cũng trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tham gia vào hội nhập sâu nhanh, thu nhập bình quân đầu người. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của Đồng Nai là 124 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5.300 USD, tăng hơn 1,7 lần so năm 2015, gấp 1,7 lần so với cả nước. Cơ cấu lao động dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Trong 5 năm qua, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh quan tâm thực hiện, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được khơi dậy mạnh mẽ. Người dân và doanh nghiệp hưởng ứng và tích cực tham gia triển khai với nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 41 ngàn doanh nghiệp được thành lập và hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 300 ngàn tỷ đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế của Đồng Nai trong những năm qua luôn giữ mức tăng trưởng khá. Đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Trong 5 năm qua, để tạo đột phá trên lĩnh vực kinh tế, Đồng Nai đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu và trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn. Kinh tế tập thể được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhiều HTX mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát triển liên doanh, liên kết. Kinh tế trang trại phát triển nhanh theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và đa dạng, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh với nhiều dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn thuộc các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan...

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Trong 5 năm qua, dòng vốn FDI vào Đồng Nai mỗi năm đều vượt kế hoạch đề ra, khoảng hơn 1 tỷ USD/năm. Các dự án được cấp mới hầu hết sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thuộc những ngành nghề, lĩnh vực được tỉnh ưu tiên phát triển. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng từng bước chuyển đổi công nghệ, nâng cao công suất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này đã giúp cho công nghiệp của tỉnh từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Sản xuất công nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp hằng năm đạt trên 9%.

* Đóng góp lớn cho kinh tế cả nước

Vào cuối tháng 7-2020, khi làm việc với Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Đồng Nai là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tỉnh là nơi tập trung thực hiện 2 dự án lớn của quốc gia là cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, thực hiện nhanh các dự án trên sẽ góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, vùng, khu vực”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (bìa phải) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước (bìa trái) tặng cờ biểu trưng cho doanh nghiệp xuất sắc
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (bìa phải) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước (bìa trái) tặng cờ biểu trưng cho doanh nghiệp xuất sắc

Chọn công nghiệp lĩnh vực chính để phát triển và đi trước cả nước trong việc lựa chọn đầu tư, Đồng Nai đã trở thành nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào lớn của cả nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Do ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ từ sớm nên tỉnh cũng trở thành nơi xuất siêu trước cả nước khoảng 2 năm và xuất siêu mỗi năm đều tăng cao so với năm trước đó.

Đồng Nai không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để đón dòng vốn ngoại, góp phần phát triển công nghiệp tốt hơn, kéo theo thương mại dịch vụ cũng tăng trưởng khá. Đồng Nai trở thành điểm đến được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn. Có gần 1,4 ngàn doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 31 tỷ USD. Các khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82%, cao hơn cả nước hơn 20%. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao được quan tâm phát triển. Trình độ công nghệ sản xuất ở các doanh nghiệp có chuyển biến theo hướng hiện đại. Các doanh nghiệp ở Đồng Nai đang từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm của toàn cầu và được đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho hay: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh gần 4,8 tỷ USD với gần 270 dự án và xếp thứ ba trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao môi trường đầu tư của tỉnh nên khoảng 4-5 năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến tỉnh đầu tư và hợp  tác xuất, nhập khẩu hàng hóa”. Hoa Kỳ và Nhật Bản, châu Âu là 3 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Đồng Nai, chiếm hơn nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Việc này chứng minh Đồng Nai đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hàng hóa đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của những nước phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển chính của tỉnh, trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao. Đồng Nai đang gấp rút chuẩn bị đất đai, hạ tầng kỹ thuật tốt để đón làn sóng đầu tư FDI vào tỉnh trong giai đoạn tới”.

Khánh Minh

Tin xem nhiều